Thời gian quan, phim “Đào, phở và piano” bất ngờ gây “hiệu ứng cháy vé” tại các rạp chiếu phim. Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết, ông xúc động vì phim được yêu mến ngoài mong đợi.
Tôi tự thấy mình mắc nợ với mảnh đất và con người nơi đây
Đạo diễn Phi Tiến Sơn khẳng định, “Đào, phở và piano” xuất phát từ tình yêu và những rung động của ông với Hà Nội. Đây là tác phẩm điện ảnh đến từ sự tự do sáng tạo, không nhằm mục đích tuyên truyền chính trị.
Theo đạo diễn Phi Tiến Sơn, “Đào, phở và piano” là một phim hư cấu, lấy cảm hứng từ cuộc chiến đấu 60 ngày đêm trong lòng Hà Nội mùa đông năm 1946-1947. Phim tái hiện không khí lịch sử ở chiến lũy Hà Nội vào những thời khắc cuối cùng (ngày 17/2/1947).
Khác với các phim chính sử về cách mạng, xem “Đào, phở và piano” khán giả sẽ có góc nhìn mới về những người Hà Nội làm cách mạng, họ không quá “cao xa”. Họ có lòng yêu nước xen với những đam mê đời sống. “Họ tận hiến nhưng là sự tận hiến hồn nhiên” - đạo diễn Phi Tiến Sơn tâm đắc.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn bộc bạch: "Rất nhiều năm qua, không có người làm phim về Hà Nội. Tôi tự thấy mình mắc nợ với mảnh đất và con người nơi đây. Nếu không vì món nợ ấy, tôi đã làm phim khác, dễ hơn cho mình, lại có nguồn thu tốt hơn".
Chia sẻ những khó khăn khi làm “Đào, phở và piano”, vị đạo diễn 70 tuổi nhận định, tái hiện bối cảnh Hà Nội khói lửa luôn là một lựa chọn đầy thách thức với bất kỳ nhà làm phim nào.
Bởi vì chắc chắn phải xây dựng bối cảnh, kéo theo việc tốn kém chi phí. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước có giới hạn, mà những chứng tích lịch sử có thể không còn nữa, hoặc đã phai mờ theo năm tháng.
Ông từng lang thang khắp các con phố Hà Nội, nhưng không còn thấy nơi nào có được 3 ngôi nhà cổ nằm sát cạnh nhau. Màu sơn, biển hiệu, vỉa hè trên các con phố Hà Nội ngày nay đều khác xa thời trước.
Được biết, những bối cảnh chiến đấu của người Hà Nội trong “Đào, phở và piano” xây dựng từ hồi ức của những người lính. Cùng với đó, đạo diễn Phi Tiến Sơn phải sáng tạo thêm, vì các bác cựu chiến binh năm nào, giờ đã có tuổi, không còn nhớ chi tiết các trận chiến mình tham gia nữa.
Qua màn hình trực tuyến, đạo diễn Phi Tiến Sơn bày tỏ mong muốn khán giả có cái nhìn cởi mở và cảm thông cho những thiếu sót nho nhỏ tồn tại ở “Đào, phở và piano” cũng như những bộ phim điện ảnh về đề tài lịch sử khác.
"Đào, phở và piano" thu hút khán giả trẻ nhờ chất "weird" và "slay"
Điều gì đã khiến "Đào, phở và piano" thành công đến mức đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng không ngờ tới?
Phi Tiến Sơn đẩy ba yếu tố đào, phở và piano lên trong phim theo kiểu rất điện ảnh để khắc họa một Hà Nội như người ta vẫn hay nghĩ về, nhưng bản thân cái tên phim "Đào, phở và piano" khá lạ lùng so với một phim thể hiện đề tài lịch sử, xưa nay vốn thường mang cái tên khá công thức, khô cứng. Giới trẻ thích cái tên phim bởi chất độc, lạ, trẻ trung của nó.
Học sinh các trường được rồng rắn đi xem một bộ phim hay về lịch sử "Đào, phở và piano".
Chất "quái" khi làm phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn không rõ tình cờ hay cố ý lại khá hợp gu với giới trẻ bây giờ. Sự thanh lịch hay hào hoa của người Hà Nội trong bối cảnh chiến tranh được đẩy lên thành chất "weird" và "slay" được thể hiện trong phim, hai tính chất mà giới trẻ bây giờ rất thích, đặc biệt là giới trẻ có vốn hiểu biết nhất định.
"Weird" là kỳ quái, lạ lùng. Còn khi giới trẻ khen ai đó slay, có nghĩa là thích cách họ hành động, phong cách hoặc ngoại hình của họ. Dõi theo nhiều trang giải trí Việt trên mạng xã hội cũng như các fanclub Việt, luôn dễ thấy rằng những ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, sân khấu… quốc tế thường thu hút đông đảo các bạn trẻ Việt hâm mộ không chỉ bởi tài năng hay nhan sắc, mà còn bởi những hành động, cử chỉ mang chất quái, phát ngôn cá tính, ấn tượng.
Thậm chí nhiều bạn trẻ hâm mộ không chỉ những người cùng thế hệ như Taylor Swift, Rihanna, Adele... mà còn tạo những fanclub cho những nghệ sĩ kỳ cựu như Madonna, Cate Blanchett… với những lời khen ngợi, tôn sùng. Bộ phim "Đào, phở và piano" có một nhân vật mà nhiều bạn trẻ rất thích bởi nhận thấy sự tương đồng mang chất "weird" và "slay".
Đó là nhân vật ông họa sĩ do NSND Trần Lực thủ vai. Đóng một vai phụ nhưng lại xuất hiện xuyên suốt trong phim, vai ông họa sĩ ở nhiều cảnh diễn đã lấn át các nhân vật khác và tạo được cảm xúc thú vị cho khán giả.
Từ những phát ngôn hài hước, tưng tửng một cách dễ thương cho đến những triết lý nghe có vẻ nửa đùa nửa thật không hợp với thời chiến nhưng thật sự gây ấn tượng kiểu như: "Thì cũng phải có người ở lại để chôn họ chứ"; từ điệu bộ nhún vai, phớt đời rất khinh bạc kèm câu nói để giải thích vì sao vẫn sống cùng với chiến lũy: "Thì chết là cùng chứ gì" cho đến cảm hứng nghệ thuật bùng cháy ở bức tranh vẽ trong đêm cuối cùng… đều được nghệ sĩ Trần Lực diễn rất xuất sắc.
Trả lời phỏng vấn về nhân vật, Trần Lực cho biết: "Những gì ông họa sĩ thể hiện trên phim cũng là một phần tính cách con người tôi, là chất của con người tôi. Nên tôi nhập vai đó với sự hứng khởi và tôi nghĩ rất vui, rất bất ngờ khi thấy được nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ khen ngợi, ưu ái. Tôi nhận được nhiều tin nhắn của khán giả bày tỏ những ấn tượng về vai diễn này làm cho tôi rất xúc động".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận