Lợi thế hạ tầng giao thông đa dạng
Đồng Nai là địa phương thời gian qua có nhiều dự án trọng điểm được khởi công, tăng tốc về đích như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Bến Lức…
Nhờ vậy, những huyện cửa ngõ của Đồng Nai như Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán… đang dần thay da đổi thịt. Cuộc sống người dân ngày ổn định hơn, nhà cửa khang trang.
Những thay đổi đó có được nhờ vào hạ tầng giao thông kết nối. Hiện nay ngoài QL1, QL20, Đồng Nai còn có cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Phan Thiết - Dầu Giây. Ở trung tâm, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang khởi động để về đích vào 2027. Đặc biệt không lâu nữa, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú cũng được khởi động. Ngoài ra, Đồng Nai cũng đã quy hoạch tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa - Trảng Bom - Long Khánh.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với hàng loạt dự án hạ tầng đó, bất động sản Đồng Nai sẽ thu hút sự chú ý rất lớn từ các nhà đầu tư. Nhất là khi Đồng Nai là trung điểm giữa TP.HCM và thành phố biển Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Luân, người kinh doanh bất động sản tại Đồng Nai cho biết, thời gian qua có nhiều người từ TP.HCM về các vùng như Thống Nhất, Long Khánh, Xuân Lộc để mua đất. Bởi đa số đất đai ở những khu vực này giá còn dễ chịu so với Biên Hòa hay TP.HCM, hợp túi tiền và thuận lợi đi lại.
"Các vùng cửa ngõ của Đồng Nai giá đất còn mềm so với nhiều nơi khác. Trong đó giá đất nền dao động từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng từ 70 - 100m2. Các vị trí đắc địa như nằm trên quốc lộ hoặc các đường lớn, giá đất có thể từ 3 - 5 tỷ đến trên chục tỷ. Riêng đất dự án trung bình được rao bán trên 1 tỷ đến khoảng trên 3 tỷ đồng/lô nhà phố; đất biệt thự dao động từ trên 2 tỷ đến trên 5 tỷ đồng/lô", ông Luân cho biết.
Cũng theo ông Luân, hai năm nay, kinh tế khó khăn, giao dịch nhà đất cũng trở nên đìu hiu, không còn cảnh mua bán sôi động như trước. "Tôi nghĩ nếu thời điểm này ai có tiền nhàn rỗi thì nên mua đất, vài năm nữa chắc sẽ thắng lớn. Bởi hiện nay giá đất dự án hay trong dân đều đã giảm sâu từ 20 - 30% so với năm 2022", ông Luân nhận định.
Bà Phan Thị Huệ, người môi giới bất động sản ở Long Khánh và Thống Nhất cũng nhận định, đây là cơ hội tốt cho nhà đầu tư khi quỹ đất còn nhiều. Hơn nữa các địa phương này cũng phát triển mạnh về công nghiệp nên nhu cầu nhà ở cao.
Lý giải về giá đang hấp dẫn nhưng giao dịch chưa như mong đợi, bà Huệ phân tích:
"Do kinh tế khó khăn, tình hình nhiều nước thế giới chưa ổn định nên tôi thấy người dân cũng không mặn mà với đầu tư bất động sản.
Từ tháng 6/2023 đến nay, nhiều bất động sản của tôi không giao dịch được, khách đa phần chỉ hỏi, dò giá, không thấy xuất tiền mua. Có một vài đơn hàng nhưng giá khoảng 700 triệu, giá trên 1 tỷ gần như không ai ngó tới".
Ôm đất chờ thời
Anh Hoàng Công Tiến, một nhà đầu tư đất vùng ven TP.HCM nhận định, thời điểm này là thời điểm rất tốt để các nhà đầu tư bắt đáy bất động sản vùng ven thành phố vì dễ sinh lời. Thông thường sau các đợt sốt giá, thị trường sẽ chững lại một thời gian, sau đó lại ổn định và tăng mạnh trở lại.
"Dù hiện nay mọi thứ đang không ổn nhưng theo tôi về lâu về dài bất động sản là sản phẩm đầu tư an toàn. Bản thân tôi ưu tiên chi tiền cho bất động sản liền thổ tại các đô thị trẻ như Long Khánh, Thống Nhất, Xuân Lộc… của Đồng Nai. Các địa phương này đang từng bước chuyển mình, trên đà phát triển nên sẽ có nhiều cơ hội sinh lời, dễ đón đầu các dự án lớn", anh Tiến cho hay.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Lý, người dân huyện Thống Nhất, trước đây vùng này đa số người dân làm cao su hoặc trồng chuối, làm nương rẫy. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà máy, khu công nghiệp tại địa phương nên số lượng thanh niên chuyển hướng sang làm công ty khá nhiều.
Kéo theo đó là số lao động từ nơi khác cũng về địa phương sinh sống. Nhờ vậy, có thêm nhiều dự án nhà ở, khu dân cư hình thành để phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân.
Bà Lý cho biết, 20 năm qua bà chứng kiến nhiều sự thay đổi của địa phương theo từng giai đoạn. Thực tế khoảng hơn 7 năm trở lại đây mọi thứ mới khác nhiều, kinh tế đi lên, bà con cũng khấm khá hơn.
"Trước đây, chủ yếu bà con sống tập trung ven QL1 và QL20 vì họ buôn bán được hoặc cho thuê mặt bằng. Còn những hộ khác đa phần làm nương rẫy hoặc làm thuê làm mướn.
Dần dần có công ty, nhiều đường lớn mở, bà con mới bắt đầu chuyển sang làm dịch vụ, du lịch… Xưa đất ở vùng này rẻ như cho, có những vị trí bán 1 sào đất cũng chỉ được mấy chục triệu. Nhưng nay đã tăng gấp 3 - 5 lần so với khoảng 5 năm trước", bà Lý nói.
Về giao dịch đất đai, đại diện Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Long Khánh cho biết, gần đây tỷ lệ giao dịch mua bán đất đã tăng hơn so với các tháng trong năm 2023. Tuy nhiên giao dịch chủ yếu là đất nền thổ cư diện tích nhỏ, phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân. Các giao dịch mua bán đất đai diện tích lớn, đất sào… vẫn còn hạn chế.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất thông tin, thời gian qua giao dịch bất động sản ở địa phương trầm lắng. Tuy nhiên theo ông Thắng, huyện Thống Nhất và các địa phương lân cận đang từng ngày đổi mới, phát triển nên tương lai cũng có nhiều lợi thế để thu hút các nhà đầu tư.
Huyện Thống Nhất nằm trên trục chính QL1 và có đường sắt đi qua. Các tuyến đường bộ trên địa bàn huyện kết nối tốt về TP.HCM và Bà Rịa - Vũng tàu cũng như ra miền Trung, miền Bắc.
Theo quy hoạch, đô thị Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất được xác định là trung tâm tổng hợp về kinh tế, văn hóa, tài chính, giáo dục, y tế và công nghiệp. Đây là cửa ngõ giao thông của tỉnh Đồng Nai. Tỉnh Đồng Nai cũng đã đầu tư chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, dự tính sẽ mở rộng thành chợ đầu mối của vùng Đông Nam Bộ.
Vừa qua, Đồng Nai đã phê duyệt quy hoạch hơn 68.000ha đất để phát triển các vùng đô thị lớn trên địa bàn tỉnh. 2 mũi nhọn là thành phố Biên Hòa sẽ dành 95,6% diện tích và thành phố Long Khánh dành hơn 46% diện tích đất để phát triển đô thị.
Thành phố Long Khánh sẽ hình thành 9 vùng phát triển khu trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, thương mại, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó, vùng đô thị có diện tích 8.900ha.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận