Đất, đá sạt lở ngổn ngang trên tuyến đường trăm tỷ
Tuyến đường nối QL4B với QL18C nằm trên địa bàn xã Yên Than, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) được khởi công ngày 21/12/2018 và hoàn thành, đưa vào sử dụng ngày 15/12/2020.
Tuyến đường có chiều dài 3,2km theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, có tổng vốn đầu tư là 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Ninh và do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư.
Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, tuyến đường này thường xuyên xảy ra sạt lở đất, đá khiến mỗi khi có mưa to, người dân đều lo lắng khi phải đi qua.
Sau trận mưa lớn, đất, đá từ mái taluy đã sạt lở xuống đường
Được biết, sau khi hoàn thành, tuyến đường này được bàn giao cho huyện Tiên Yên khai thác, đồng thời tiến hành bảo trì, bảo dưỡng sửa chữa nếu xảy ra hỏng hóc, sạt, lở.
Ngay sau khi tiếp nhận, huyện Tiên Yên đã đưa đoạn đường này vào nhóm các tuyến đô thị...
Hệ thống mái taluy được phân tầng không hợp lý là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sạt, lở khi có mưa to
Mặc dù mới đưa vào sử dụng chưa lâu, nhưng tuyến đường này đã thường xuyên xảy ra sạt lở khi có mưa lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Sau trận mưa lớn ngày 15/7 vừa qua, PV Báo Giao thông có mặt tại tuyến đường và ghi nhận được nhiều điểm sạt lở rất nguy hiểm cho người, phương tiện khi qua đây.
Nhiều mảng đất, đá trên mái taluy có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào
Qua quan sát, ở ngay bên phải mái taluy, hướng từ QL18C sang QL4B, một mảng lớn đất, đá từ trên cao đổ ụp xuống lòng đường sau trận mưa lúc trưa.
Phía bên trên còn rất nhiều mảng đất, đá đã bị hẫng chân, nguy cơ rơi xuống chực chờ.
Ở một vị trí khác, đất, đá cũng bị sạt lở xuống đường
Dọc theo tuyến đường về phía QL4B, PV tiếp tục ghi nhận được nhiều điểm có sạt lở đất đá khiến nhiều người điều khiển phương tiện đi qua đây đều "thót tim".
Qua quan sát của PV, trên tuyến đường này tồn tại không ít bất cập. Trước hết là hệ thống thoát nước dọc, nhiều điểm đơn vị thi công làm cho có lệ do thiếu bờ kè, dẫn đến đất, đá từ mái taluy vùi kín. Thậm chí có chỗ, đơn vị thi công còn “quên” không xây rãnh thoát nước khiến cho đất, đá vùi kín làm mất tác dụng thoát nước.
Hệ thống thoát nước dọc bị đơn vị thi công "quên" không hoàn thiện
Thêm vào đó, hiện nay, mặc dù các mái taluy chưa ổn định, đất đá vẫn có nguy cơ từ trên cao đổ xuống cả mảng, nhưng cơ quan chức năng của huyện Tiên Yên lại đang đào, xây và lắp đặt một số cột điện ở nhiều vị trí. Nếu đất đá sạt lở đổ vào cột điện, thì các cây cột điện cũng sẽ đổ xuống đường, nguy cơ mất an toàn cho người qua lại.
Chị Lê Thị Hường, nhà ở thôn Đồng Tâm, xã Yên Than, huyện Tiên Yên cho biết: Khi chưa có tuyến đường này thì bà con có việc ở khu vực bên kia thôn đều phải đi vòng xuống thị trấn Tiên Yên rồi ngược lên xa mấy gần chục cây số. Từ ngày có thêm tuyến đường này ai cũng phấn khởi vì thuận lợi hơn…
"Nhưng từ khi đưa vào sử dụng đến nay, tuyến đường thường xuyên bị sạt lở đất, đá. Mỗi khi có dịp phải qua khu vực này vào ngày mưa to, bà con đều lo đất, đá thình lình từ trên cao ụp xuống, rất nguy hiểm. Vì thế, nhiều người lại chọn lối đi vòng như trước đây cho an toàn", chị Hường thông tin.
Nhiều người điều khiển phương tiện đều vội vã lao nhanh qua khu vực nguy cơ sạt, lở
"Loay hoay" tìm kinh phí khắc phục!
Trao đổi với PV Báo Giao thông về thực trạng này, ông Nguyễn Tế Hanh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tiên Yên, cho biết: Dự án do cơ quan chức năng của tỉnh đầu tư rồi bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng.
Tuy nhiên, việc bảo trì, bảo dưỡng đoạn đường này đang gặp nhiều khó khăn. Vì kinh phí để chi cho việc sửa chữa, giải quyết những phát sinh trên đoạn đường này rất lớn. Do vậy địa phương đang phải tính toán, cân đối để có hướng giải quyết.
Một điểm sạt, lở tuy ít nghiêm trọng, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trên tuyến đường
"Quá trình thi công, nhằm để hạn chế tối đa kinh phí, nên việc cắt tầng taluy còn có nhiều hạn chế dẫn đến chưa đảm bảo vì khu vực này đất, đá khá rời rạc. Việc chôn các cột để lắp điện chiếu sáng như hiện nay cơ bản đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, cũng cần phải tính toán đến yếu tố an toàn cho cột điện do trên taluy còn nhiều điểm đang có nguy cơ sạt lở", vị lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Tiên Yên phân tích.
Trao đổi thêm về chất lượng công trình đường nối nêu trên, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh – chủ đầu tư dự án cho biết: Tuyến đường sau khi hoàn thành, nghiệm thu đầy đủ đã được chuyển cho huyện Tiên Yên quản lý, khai thác và bảo trì. Đến thời điểm hiện tại đã hết thời gian bảo hành.
"Do đó, huyện Tiên Yên có trách nhiệm xây dựng phương án thi công, kinh phí để khắc phục các điểm sạt, lở để đảm bảo ATGT", vị này cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận