10 năm trước, bà N.T.M (66 tuổi) được chẩn đoán mắc thoái hóa não Parkinson với triệu chứng cứng nửa người, không nhấc nổi chân, nói khó, viết khó, run rẩy chân tay, mất ngủ. Việc dùng thuốc gần đây kém đáp ứng, thời gian tác dụng của thuốc ngày càng ngắn khiến bà M khó nuốt, mệt nhiều, táo bón và hơn hết là vấn đề tâm lý không tự tin, trầm cảm, tách biệt với mọi người, mọi việc xung quanh.
"Nhiều lúc nghĩ tôi chỉ muốn đi xa để không làm gánh nặng cho chồng con. Tôi không thể giúp đỡ gì được cho gia đình trong khoảng thời gian ấy. Chồng tôi cũng mới mổ tim gần đây, lúc ấy tâm lý tôi gần như suy sụp hoàn toàn", bà M kể lại.
Thông qua hội chẩn, các chuyên gia đã thống nhất sử dụng phương pháp phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu cho bà M.
TS.BS Trần Đình Văn, Khoa Phẫu thuật Thần kinh I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chia sẻ: "Suốt quá trình phẫu thuật, bệnh nhân không có chỉ định gây mê, luôn trong trạng thái tỉnh táo hoàn toàn để có thể kiểm tra các triệu chứng vận động và hiệu quả của điều trị trong mổ".
Các chuyên gia thuộc chuyên khoa phẫu thuật thần kinh đã phối hợp với chuyên gia về nội thần kinh cùng ê-kíp gây mê, kỹ thuật viên điện sinh lý thần kinh… áp dụng phương pháp phẫu thuật đặt điện cực não sâu ít xâm lấn trong mổ điều trị bệnh lý Parkinson, qua đường rạch da trên đầu bệnh nhân chỉ 1cm, đường mở nhỏ dưới ngực chỉ khoảng 3cm để đặt thiết bị máy phát xung.
Bệnh nhân được sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong mổ như: Máy định vị thần kinh thế hệ mới để xây dựng tọa độ, máy điện sinh lý thần kinh phát hiện sóng của các nhân xám trung ương, khung định vị chính xác tọa độ…
Bệnh Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh thường gặp nhất sau bệnh Alzheimer, chiếm 2% dân số thế giới, thường gặp ở người trên 65 tuổi, bệnh xu hướng trẻ hóa.
Bản chất của bệnh Parkinson là thoái hóa não, gây khó khăn trong vận động, sinh hoạt.
Sau một tuần được các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu, tình trạng của bệnh nhân N.T.M đã cải thiện rõ rệt.
Sau điều trị, bà M khỏe lên trông thấy, dễ dàng hơn nhiều trong việc ăn uống, cầm nắm đồ vật, giao tiếp với mọi người hoạt bát hơn, liều thuốc uống đã giảm xuống 5 lần… Bà N.T.M vô cùng phấn chấn, không ngờ lại có được một cuộc đời mới sau phẫu thuật.
Cùng tuổi với bà M, ông T.V.T cũng trải qua cuộc phẫu thuật Parkinson thành công bằng phương pháp đặt điện cực kích thích não sâu. Hiện, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện rất nhiều, liều thuốc phải uống giảm đáng kể và tinh thần rất lạc quan.
Các bệnh nhân giai đoạn đầu sau mổ điều trị Parkinson sẽ được các bác sỹ Khoa nội thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cài đặt thông số máy để đạt hiệu quả điều trị, định kỳ hoặc khi có thay đổi về triệu chứng lâm sàng bệnh nhân cần đến khám để bác sĩ điều chỉnh thông số máy phù hợp với lâm sàng của bệnh.
Theo ThS.BS Ngô Thị Huyền, Khoa Nội hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, phẫu thuật kích thích não sâu là phương pháp phẫu thuật thần kinh chức năng, đặt điện cực tạo sóng kích thích điều trị các triệu chứng của bệnh Parkinson, bao gồm run, đơ cứng và cử động chậm chạp. Kích thích não sâu không phải là phương pháp có thể chữa trị khỏi bệnh Parkinson và sẽ không ngăn bệnh trở nên nặng hơn nhưng đây là lựa chọn tốt cho các bệnh nhân đã mắc bệnh này ít nhất 5 năm và thời gian tác dụng của thuốc rút ngắn lại hoặc loạn động khi dùng thuốc.
Phương pháp này mở ra cơ hội nâng cao chất lượng sống cho những bệnh nhân Parkinson nặng, giúp bệnh nhân có thể giảm liều thuốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận