70 năm truyền thống ngành GTVT

Đặt trụ cầu Hàm Rồng tại nơi người Pháp từng "bó tay"

03/09/2014, 07:59

Ít ai biết, cầu Hàm Rồng là biểu tượng cho năng lực sáng tạo và tinh thần vượt khó của ngành GTVT sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng.

Aragon, một nhà địa chất người Pháp đã khuyên các đồng nghiệp: “Không nên xây dựng cầu trên dòng sông Mã do cấu tạo lòng sông rất phức tạp, độ chênh nước cao ở đoạn núi Đầu Rồng, núi Ngọc, khiến dòng chảy như thác lũ...”.


Chính vì địa chất phức tạp, điều kiện kỹ thuật xây dựng lúc bấy giờ còn thấp nên người Pháp đã chọn kiểu cầu vòm (hình vành lược) không có trụ giữa mà dùng chốt neo.


Trong quá trình thi công, việc cắm chốt neo rất khó khăn, nguy hiểm đã làm cho gần 200 thợ cầu Việt Nam phải bỏ mạng. Chính viên kỹ sư thiết kế người Pháp bất lực và sợ hãi đã phải tự tử. Sau đó, kỹ sư người Đức sửa lại thiết kế mới cắm được neo.


Cầu Hàm Rồng bắc xong vào tháng 3/1904. Cầu dài 160 m, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường bộ. Đây là cây cầu cầu xuất hiện sớm nhất trên các dòng sông lớn ở phía Bắc Trung Bộ. Nhưng đến 9/3/1946 , quân dân Thanh Hóa nổ mìn đánh sập cầu để thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”.


Tháng 7/1961, ta khởi công xây dựng lại cầu Hàm Rồng (lần thứ nhất) do Tổng công trình sư Nguyễn Đình Doãn chỉ đạo kỹ thuật (sau này ông là Thứ trưởng Bộ GTVT), có sự giúp đỡ của Trung Quốc. Theo thiết kế mới, cầu dài 160 m bằng dàn thép hợp kim bu lông cường độ cao có một trụ giữa sông. Móng trụ bằng 13 cọc ống bê tông cốt thép đường kính 1,5 m, được hạ xuống tầng đá gốc rồi xói hút hết bùn đất trong ruột cọc. Sau đó, dùng búa máy động mạnh tạo lỗ xuyên sâu vào đá, hạ cốt thép vào ruột cọc, đổ bê tông trong nước để liên kết cọc ống với đá gốc. Sau khi đổ bê tông độn đầy ruột cọc mới đúc bệ trụ trên đầu cọc rồi tiếp tục đúc thân trụ, mũ trụ trước khi lao lắp dầm thép từ trong bờ ra. Quá trình thi công cầu Hàm Rồng đầy khó khăn, phức tạp và gian khổ.


Tháng 9/1962, khi đã hạ được 6 cọc ống lớn và lắp được hệ thống khung vây thì gặp trận bão lụt lớn, buộc phải đưa các thiết bị nổi vào bờ. Nước lên cao, chảy xiết, hướng dòng chảy càng phức tạp, các dây neo sà lan lần lượt bị đứt làm một số sà lan bị trôi. Công trường đã phải lập các tổ kích kéo, dũng cảm chạy bộ dọc theo hai bờ sông để đón cứu sà lan.


Các kỹ sư, công nhân (do đội cầu Trần Quốc Bình đảm nhiệm) nhờ sự giúp đỡ của các nước bạn, cộng với quyết tâm cao, trí thông minh và sáng tạo đã vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại, thi công thắng lợi, hoàn thành chiếc cầu dài 180 m, cao 12 m, rộng 17 m, nặng 2.000 tấn, có đường xe lửa chạy giữa, đường ô tô đạt chất lượng tốt, đúng tiến độ dự định. Cầu Hàm Rồng được chính thức khánh thành ngày 19/5/1964.

Lê Ngọc
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.