Đăk Glei là một huyện nghèo vùng cao, biên giới của tỉnh Kon Tum. Với dân số toàn huyện khoảng 47.183 người, trong đó người dân tộc thiểu số 41.126 người, chiếm 87,16%, gồm các dân tộc: Kinh, Giẻ - Triêng, Xơ Đăng, Gia Rai, Ba Na…
Thời gian qua, huyện Đăk Glei đã tích cực huy động nhiều nguồn lực và thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, các giải pháp giảm nghèo, quyết tâm thực hiện đề án đưa thôn, xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Có được cây cầu mới, đồng bào thị trấn huyện Đăk Glei vui như hội
Khởi sắc từ những con đường giao thông nông thôn
Mường Hoong là xã đặc biệt khó khăn với địa hình đồi núi cheo leo, đi lại vô cùng khó khăn. Trước đây, để vào được xã, người dân phải băng rừng lội suối nhiều ngày trời mới đến nơi. Nhưng từ khi tuyến giao thông liên xã nối trung tâm huyện với các xã dưới chân núi Ngọc Linh, con đường đến với xã đã bớt đi phần nào sự vất vả.
Ông A Nhon, người dân xã Mường Hoong cho biết, trước đây đường đi lại khó khăn lắm, muốn đi tới trung tâm huyện phải đi bộ, mất mấy ngày. Đường đi khó nên hàng hóa, nông sản không đi ra được nên có làm cũng không ai vào thu mua.
Hiện nay, nhà nước đầu tư mở đường, đi lại dễ dàng. Xe máy, ô tô, xe tải thu mua nông sản vào tận xã nên rất thuận lợi cho bà con, góp phần thúc đẩy bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Hay như tuyến nối trung tâm huyện Đăk Glei vào xã biên giới Đăk Nhoong cũng được đầu tư mở rộng, tạo thuận lợi cho người dân vùng biên giới đi lại. Từ đó, tạo động lực cho các làng biên giới mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nhiều loại nông sản tăng thu nhập và đời sống người dân vùng biên thay đổi rõ rệt.
Đèo Lò Xo là con đường kết nối các tỉnh miền Trung, giúp huyện Đăk Glei thay đổi toàn diện
Anh Xiêng Lăng Khu, làng Đăk Ga, xã biên giới Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei chia sẻ, bây giờ giao thông đi lại rất thuận lợi, từ làng ra đến trung tâm huyện bây giờ đi chỉ mất 30 - 40 phút chứ không như trước đây, muốn đi ra huyện phải mất 2- 3 tiếng.
Ngoài ra, giờ người dân trồng cây sắn (mỳ), bời lời cũng không lo không có người vào thu mua. Đến mùa thu hoạch, bà con chỉ cần tập kết ra đường lớn là có xe tải vào tận nơi thu gom, rất thuận tiện.
Xác định giao thông thuận lợi chính là cầu nối để phát triển kinh tế liên vùng, tạo điều kiện thông thương thuận lợi cho hàng hóa, nông sản…, chính quyền huyện Đăk Glei đã tận dụng mọi nguồn lực, kêu gọi sự đầu tư kết hợp cùng các chính sách của Đảng và Nhà nước nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là những tuyến đường giao thông nối các vùng khó khăn với trung tâm huyện.
Đăk Glei có 9/12 xã thuộc khu vực III, 3 xã, thị trấn thuộc khu vực II. Giai đoạn 2016 đến nay, từ các nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình 135 lên tới gần 61 tỷ đồng, huyện Đăk Glei đã đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo.
Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới
Năm 2021, xã biên giới Đăk Nhoong đăng ký tiếp tục giữ vững các tiêu chí đã đạt và nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt các tiêu chí về thông tin và truyền thông và tiêu chí môi trường.
Theo đó, ngay từ đầu năm, Đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các thôn triển khai ra quân đầu năm xây dựng nông thôn mới, kết hợp công tác tuyên truyền vận động để bà con nhân dân hiểu những tiêu chí nào xã đã đạt, tiêu chí nào cần sớm được hoàn thành.
Những cán bộ ngành giao thông miệt mài xây dựng mạng lưới giao thông giúp Đăk Glei phát triển.
Ông A Nang- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đăk Nhoong cho biết, các nội dung về tiêu chí môi trường, xã đã chỉ đạo các thôn, các đoàn thể thường xuyên tổ chức ra quân vệ sinh quét dọn các tuyến đường, khơi thông cống rãnh.
Với các hộ chăn nuôi trâu, heo, xã vận động nhân dân làm chuồng trại vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa chăm sóc, phòng ngừa được các loại bệnh.
Về tiêu chí thông tin truyền thông, xã chú trọng ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, ứng dụng thư điện tử công vụ... phấn đấu cuối năm nay đạt các tiêu chí theo kế hoạch đề ra.
Cũng như xã Đăk Nhoong, các xã trên địa bàn huyện Đăk Glei ngay từ đầu năm nay đã đăng ký kế hoạch cụ thể những tiêu chí, nội dung tiêu chí phấn đấu đạt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Riêng đối với xã Đăk Kroong phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay, huyện, xã đã triển khai nhiều giải pháp để sớm hoàn thành 4 tiêu chí chưa đạt, gồm tiêu chí số 9 nhà ở dân cư, tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về hộ nghèo và tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.
Bởi vậy, ngay trong lễ ra quân xây dựng nông thôn mới đầu năm nay, trên địa bàn huyện đã huy động sự tham gia tích cực của gần 9 nghìn người dân ở nhiều phần việc ý nghĩa như trồng cây xanh, nạo vét kênh mương, dọn vệ sinh xóm làng... Huyện kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở đóng chân trên địa bàn huyện, nhất là ở xã Đăk Kroong hỗ trợ vật tư như cát, xi măng... để giúp 4 hộ dân xóa nhà tạm, nhằm sớm đạt tiêu chí số 9.
Đến nay, Đăk Glei đã đạt bình quân 13,10 tiêu chí/xã. Trong đó, có 2 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Đăk Pek (đạt năm 2019), xã Đăk Môn (đạt năm 2020). Đối với các xã còn lại thì đến nay có 7 xã đạt từ 11-15/19 tiêu chí; 1 xã (xã Mường Hoong) đạt 9/19 tiêu chí và có 1 xã (xã Ngọc Linh) đạt 8/19 tiêu chí.
Xây dựng thôn nông thôn mới trên địa bàn 3 xã biên giới thì đến nay có 2 thôn đạt 15/16 tiêu chí (thôn Long Yên, xã Đăk Long và thôn Róoc Mẹt, xã Đăk Nhoong); 17 thôn còn lại đạt từ 11-14/16 tiêu chí, các thôn đạt bình quân 13,05 tiêu chí/thôn.
Bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết: Huyện chỉ đạo các phòng, ban, các xã tiếp tục chú trọng duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt, nâng tổng tiêu chí đạt được của toàn huyện lên 163 tiêu chí, trung bình 14,8 tiêu chí/xã.
Đối với 2 xã Đăk Pék, Đăk Môn duy trì 19/19 tiêu chí đã đạt và phấn đấu đạt thêm 1-5/10 tiêu chí chuẩn nông thôn mới nâng cao. Xã Đăk Kroong duy trì 15/19 tiêu chí, phấn đấu đạt thêm 4 tiêu chí (Tiêu chí số 9, số 10, 11 và 18) để xã đạt chuẩn nông thôn mới trong cuối năm 2021.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận