Các nước sở tại thường phải chặn đường để đoàn xe chở Tổng thống Mỹ đi qua |
Vấn đề an toàn, an ninh cho người quyền lực nhất nước Mỹ, Tổng thống Barack Obama khi di chuyển trong các chuyến công du là điều khiến các nước sở tại đau đầu.
Chi phí cao gấp 20 lần
Ngoài an toàn và thuận tiện, dù đến nước nào, Tổng thống Mỹ cũng có một đoàn tùy tùng lớn khoảng 900 - 1.000 người với hàng chục phương tiện đường bộ cùng máy bay. Điều này cũng đặt áp lực lớn lên các nước sở tại trong việc điều tiết giao thông trên đường Tổng thống Mỹ đi dự các sự kiện.
Điển hình trong chuyến thăm Brussels. Là trung tâm châu Âu, Brussels (Bỉ) tổ chức ít nhất 4 Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu/năm, tiêu tốn chi phí an ninh, quân đội và giao thông khoảng 500.000 euro mỗi cuộc. Nhưng, Thị trưởng Brussels, Yvan Mayeur cho biết: “Khoản phí này gấp lên 20 lần trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Brussels năm 2014”. Bỉ đã phải chi tới 10 triệu euro (10,4 triệu USD) trang trải toàn bộ các chi phí trong 24 giờ Tổng thống Mỹ có mặt tại đây.
Riêng về giao thông, trước khi ông Obama đặt chân tới Brussels, an ninh rà soát từng chi tiết trên đường phố Brussels. Tình trạng an ninh tại thành phố (4 cấp) được nâng lên mức 2-3 trong suốt chuyến thăm. Bỉ huy động 350 mô tô cảnh sát và quân đội để đảm bảo an toàn dọc tuyến đường Tổng thống Mỹ tham dự các Hội nghị châu Âu (EU) và NATO tại đây.
Bà Brigitte Grouwels, người đứng đầu cơ quan giao thông Brussels cho biết, một số khu vực quan trọng đã bị chặn trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ. Người dân được khuyến khích đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện công cộng để tránh bất tiện, tắc đường. Song, theo bà Brigitte Grouwels: “Chuyến thăm này là cơ hội tuyệt vời để Thủ đô Brussels lần đầu tiên có trải nghiệm vắng bóng ô tô”.
Mỹ vẫn nợ Anh 9 triệu bảng phí tắc đường
Trong chuyến thăm Anh hồi tháng 4/2016 vừa rồi, cựu Thị trưởng London Boris Johnson lại “nhắc nợ” ông Obama vì tiền phí tắc đường nhiều năm chưa trả. Ông Boris Johnson nói: “Họ vẫn còn nợ chúng tôi hơn 9 triệu bảng Anh. Số tiền này đáng lẽ đã được chuyển vào quỹ để nâng cấp giao thông”.
Theo quy định của Anh, tất cả các phương tiện, bất kể đăng ký ở đâu, nếu lưu thông trong khu vực buộc phải đóng phí tắc nghẽn trong giờ cao điểm thì phải trả tiền, trường hợp không trả phí sẽ bị phạt. Vì hầu hết các tuyến phố London không bị phong tỏa trong thời gian đoàn xe của Tổng thống viếng thăm. Do vậy, đoàn xe của ông Obama sẽ phải thanh toán phí tắc nghẽn, tờ Daily Telegraph dẫn lời ông Boris Johnson. Còn riêng trường hợp chuyến công du của Giáo hoàng thì không bị tính phí ùn tắc bởi khi đó đường sá bị giới chức phong toả, ông Johnson nói.
Trước đó, hồi tháng 7/2013, trong một báo cáo gửi lên Quốc hội, Văn phòng Đối ngoại Anh cho biết: Mỹ đã nợ hơn 5 triệu bảng (8,7 triệu USD) vì 45.005 vi phạm tắc đường, trong đó có các sự kiện ông Obama tới Anh, chưa kể tiền phạt vì không nộp tiền đúng thời hạn. Ngoài ra, cũng trong báo cáo, tổng cộng các đoàn ngoại giao trên thế giới vẫn còn nợ khoảng 107 triệu USD phí tắc nghẽn.
Đứng đầu sau Mỹ là Nga 4,89 triệu bảng (7,8 triệu USD) và Nhật Bản 4,85 triệu bảng (7,7 triệu USD) rồi đến: Đức, Nigeria, Ấn Độ, Sudan, Ghana, Ba Lan, Tây Ban Nha...Về phía mình, Mỹ luôn khẳng định không liên quan gì tới khoản phí ùn tắc. Khoản phí này thực chất là đánh thuế, nó chỉ dành cho cư dân Anh chứ không dành cho khách và quyền miễn trừ ngoại giao cũng bao gồm việc miễn khoản phí tắc nghẽn này.
Siêu xe “chết” giữa đường
3 năm trước (tháng 3/2013), một sự cố hi hữu đã xảy ra với chiếc xe Beast của ông Obama tại Israel. Khi đang trên đường từ Sân bay Ben Gurion ở Thủ đô Tel Aviv tới Jerusalem, chiếc xe chết khựng giữa đường và không thể tiếp tục công việc vốn đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng cả mấy tháng trời. Nguyên nhân được tờ Daily Telegraph dẫn các nguồn tin cứu hộ cho biết, do lái xe đã tiếp nhiên liệu diesel trong khi chiếc xe này chạy bằng xăng.
Sự cố xảy ra chỉ 2 tiếng trước khi chiếc Air Force One chở ông Obama hạ cánh. Ngay lập tức một chiếc xe khác được chuyển từ Jordan (cũng nằm trong lộ trình công du) sang thay thế khẩn cấp, vừa kịp thời gian ông Obama bước xuống cầu thang máy bay.
Dự kiến, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Tổng thống Barack Obama sẽ đưa đoàn tùy tùng với số lượng khủng 1.000 người cùng nhiều phương tiện để di chuyển. Như thường lệ, Tổng thống mang ô tô riêng, xe thang máy bay và một chiếc trực thăng Marine One… Trên đoạn đường di chuyển từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội, ông Obama sử dụng ô tô riêng cùng sự hộ tống của trực thăng Marine One. Trực trăng này cũng được dùng di chuyển ở những cự ly ngắn. |
Còn chiếc xe “ăn nhầm” diesel phải viện đến xe tải cứu hộ “cõng” về gara cứu hộ gần đó. Ông Moti Matmon, Quản lý công ty cứu hộ cho Daily Telegraph biết: Hệ thống đốt nhiên liệu cần phải xúc rửa, làm sạch; và không có chuyện giảm giá, cho dù đó là xe của ông Obama.
Chiếc ô tô thường được Tổng thống sử dụng trong các chuyến công du khắp thế giới được gọi là “Quái vật” (The Beast) không phương tiện đường bộ nào có thể địch nổi. The Beast được mệnh danh là pháo đài di động do hãng General Motors sản xuất có giá 1,5 triệu USD.
“Pháo đài di động” này hoàn toàn có thể chống được bom đạn nhờ lớp vỏ cường lực dày 20cm và các cửa sổ được làm bằng kính chống đạn dày 12 cm. Xe sử dụng động cơ V8, tiêu thụ 35 lít/100km, tốc độ tối đa 96km/h. Trong cốp xe có dự trữ bình cứu hỏa, bình cung cấp ô xi, máu dự phòng…Tổng thống Mỹ có 12 chiếc như vậy và sử dụng luân phiên trong các chuyến công du. Mỗi chuyến, mang 2 chiếc, những chiếc còn lại được đỗ ở tầng hầm trụ sở Cơ quan Mật vụ Mỹ được giám sát 24/24h.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận