Hạ tầng

Đầu tháng 6, tháo xong cầu Bình Lợi gần 120 năm tuổi

20/05/2020, 10:21

Nhà thầu đang gấp rút tháo nhịp chính cầu Bình Lợi gần 120 năm để thông luồng sông Sài Gòn lên Bình Dương.

img
Nhịp chính của cầu đường sắt Bình Lợi cũ đã được tháo rời để thông luồng sông Sài Gòn

Ngày 20/5, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 7, cho biết những ngày qua các nhà thầu đang tập trung tháo dỡ 2 nhịp chính của cầu đường sắt Bình Lợi. Đây là 2 nhịp giữa sông được tháo dỡ để thông luồng sông Sài Gòn lên đến Bình Dương, Tây Ninh. Tiến độ thi công nhanh hơn so với dự kiến, đầu tháng 6 sẽ hoàn thành để thông luồng.

Cầu đường sắt Bình Lợi được xây dựng vào năm 1920, dài 276m, gồm 6 nhịp nối quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức. Do tĩnh không thông thuyền của cầu chỉ 1,8m nên Bộ GTVT đã cho xây dựng cầu mới tĩnh không 7m để bằng với cầu đường bộ Bình Lợi. Sau khi tĩnh không thông thuyền được nâng lên, những tàu, sà lan trên 300 tấn có thể lưu thông dễ dàng từ Tây Ninh, Bình Dương về các cảng Cát Lái, Cái Mép mà không sợ bị vướng cầu.

Với ý nghĩa cây cầu gần 120 năm tuổi, TP.HCM đã quyết định giữ lại 2 nhịp ở phía bờ quận Thủ Đức và Bình Thạnh để bảo tồn.

Dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc (Bình Dương) được thực hiện theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp vận tải đường thủy và tỉnh Tây Ninh, Bình Dương đang rất nóng lòng chờ thông luồng sông Sài Gòn để đưa hàng xuống vận chuyển bằng đường thủy, giảm bớt ùn tắc cho đường bộ.

Một số hình ảnh tháo dỡ cầu đường sắt Bình Lợi cũ:

img
Công nhân cẩn trọng tháo dỡ các nhịp của cầu đường sắt Bình Lợi
img
Đây là cây cầu có tuổi đời gần 120 năm, là một trong những cây cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn
img
Nhịp dầm thép được tháo dỡ đưa qua sà lan
img
Nhịp đầu tiên của cầu đường sắt Bình Lợi cũ được tháo để thông luồng sông Sài Gòn
img
Nhịp cầu sau khi được tháo sẽ chuyển đến bãi tập kết. 2 nhịp còn lại tại 2 bờ sẽ được giữ lại để bảo tồn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.