Ga xuống cấp, năng lực yếu
Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) cho biết, đơn vị đang đẩy mạnh khai thác hàng liên vận quốc tế đi bằng đường sắt qua cửa khẩu ga Đồng Đăng.
Tuy nhiên, bãi hàng, đường xếp dỡ của ga xuống cấp, hạn chế rất nhiều đến năng lực, làm tăng thời gian xếp dỡ, giải phóng hàng.
Bãi hàng ga Đồng Đăng chỉ được làm tạm nền đất, phục vụ xếp hàng container trung chuyển bằng tàu qua cửa khẩu
“Tổng chiều dài các đường sắt để xếp dỡ hàng hóa trong bãi hàng của ga tối đa chỉ chứa được hơn 20 toa xe hàng, còn đường sắt trong ga chỉ là đường lập tàu, chứa xe. Do đó, khi hàng về nhiều, năng lực nhà ga không đáp ứng được. Đợt cao điểm, có ngày tàu liên vận của công ty về khoảng 70 container, cộng với các toa xe vận chuyển sắn của các công ty khác khiến các đường ga, bãi hàng chật kín, phải cắt bớt toa xe ra khỏi đoàn tàu hoặc gửi các ga khác”, ông Thanh nói.
Thừa nhận thực trạng này, ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt kiêm Trưởng ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng cho biết, diện tích khu bãi hàng gồm cả kho, đường xếp dỡ khoảng 23ha.
Tuy nhiên do từ lâu chưa được đầu tư, sửa chữa lớn nên xuống cấp nghiêm trọng, năng lực rất kém, không đáp ứng được nhu cầu vận tải, hiện chỉ có 4 đường xếp dỡ ngắn, mỗi đường khoảng 100m, chứa được khoảng 6 toa xe/1 đường.
“Đường bộ vào bãi hàng nhỏ, đang xuống cấp nghiêm trọng nên xe container rất vào. Nhiều lái xe container không muốn vào xếp dỡ vì sợ bị lật”, ông Khái nói.
Theo ông Khái, nếu đầu tư cải tạo, nâng cấp bãi hàng tiêu chuẩn, xây dựng kho cho hàng liên vận quốc tế, làm thêm đường xếp dỡ với sức chứa khoảng 20 toa xe, có thể nâng năng lực ga Đồng Đăng đáp ứng được khoảng 4.000.000 tấn hàng/năm.
Tương tự, tuyến Hà Nội - Hải Phòng, hiện ga Vật Cách có đường sắt kết nối với cảng Vật Cách. Ga có vị trí đặc biệt quan trong trong quy hoạch phát triển của TP Hải Phòng, giảm tải tàu vào trung tâm, tránh gây ách tắc giao thông nội đô. Hiện sản lượng xếp dỡ hàng hóa bình quân 200.000 tấn/năm.
Ông Nguyễn Như Vấn, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Thái Hải cho biết, hiện nhà ga này đang thiếu cả đường xếp dỡ, bãi hàng, kho ga. Việc này không thể đáp ứng được nhu cầu hàng hóa đang tăng nhanh. Do vậy, rất cần đầu tư thêm đường xếp dỡ, bãi hàng.
Đại diện TCT Đường sắt VN cho biết, thực trạng trên diễn ra tương tự ở nhiều ga hàng hóa trên các tuyến phía Bắc. Bãi hàng, kho ga, đường xếp dỡ vừa yếu, vừa thiếu, không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Các ga hành khách thì phòng đợi xuống cấp, nhỏ hẹp, không có ke ga, rất bất tiện cho hành khách.
“Vì vậy chúng tôi đã kiến nghị Bộ GTVT đưa một số ga trên 2 tuyến vận tải chủ đạo Hà Nội - Đồng Đăng, Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai vào danh mục đầu tư cải tạo, nâng cấp giai đoạn 2021 - 2025 như: Đồng Đăng, Vật Cách, Yên Viên, Xuân Giao, Hải Dương”, đại diện TCT Đường sắt VN thông tin.
Rà soát trước khi đề xuất quy mô đầu tư cụ thể
Để cải tạo, nâng cấp các ga đường sắt đáp ứng được nhu cầu vận tải, Bộ GTVT vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2024.
Dự án sẽ nâng cấp 9 ga gồm: 3 ga hành khách và 6 ga hàng hóa. Trong đó, 3 ga hành khách là ga Gia Lâm tuyến Hà Nội - Đồng Đăng và ga Cẩm Giàng, ga Hải Dương tuyến Gia Lâm - Hải Phòng; 6 ga hàng hóa gồm 2 ga Vật Cách và Thượng Lý tuyến Gia Lâm - Hải Phòng; 3 ga Yên Viên Nam, Đồng Đăng, Lạng Sơn tuyến Hà Nội - Đồng Đăng; ga Xuân Giao tuyến Yên Viên - Lào Cai.
Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư - Tài chính Cục Đường sắt VN, đơn vị lập đề xuất chủ trương đầu tư cho biết, 9 ga này đều là ga cấp thiết cần cải tạo, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa đang tăng cao.
Việc lựa chọn ga nào để đầu tư, ngoài yêu cầu đặt ra đối với đặc thù từng ga, còn căn cứ vào tiêu chí: Ga hành khách có khối lượng đón tiễn từ 100.000 khách/năm và ga hàng hóa có khối lượng xếp dỡ từ 100.000 tấn/năm trở lên.
“Việc đầu tư cải tạo sẽ kiểm soát được đất dành cho đường sắt tại các khu ga thuộc dự án để có kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đường sắt. Đồng thời, từng bước đầu tư xây dựng công trình trong khu ga đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường sắt nhằm tăng năng lực khai thác, chất lượng phục vụ vận tải, từ đó thu hút khách hàng, từng bước tăng thị phần trên tuyến”, ông Thịnh cho hay.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án) cho biết, đang rà soát, lựa chọn công trình, quy mô và giải pháp tối ưu trên cơ sở so sánh kinh tế - kỹ thuật, phù hợp với mục tiêu dự án.
“Hiện chúng tôi đang khảo sát các ga trước khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để đề xuất quy mô đầu tư cụ thể, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt nói.
Về khối lượng đầu tư, dự kiến có 3 ga khách thực hiện cải tạo gần 1.400m2 nhà ga và gần 3.500m2 cầu vượt, giao ke; xây mới hơn 3.500m2 ke ga, gần 3.500m2 mái che ke ga... Đối với 6 ga hàng hóa dự kiến cải tạo 3.300m2 bãi hàng, gần 12.000m2 nhà kho, gần 1.500m đường xếp dỡ, 1.500m đường bộ vào ga; xây mới hơn 21.000m2 bãi hàng, hơn 15.000m2 nhà kho, 4.200m đường xếp dỡ, 1.800m đường bộ vào ga và 1.500m tường rào ga.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận