Giao thông

Đầu tư bến xe khách sẽ được nhiều ưu đãi

26/11/2014, 06:53

Dù chính sách xã hội hóa bến xe đã được thực hiện từ nhiều năm nhưng rất ít nhà đầu tư tham gia. Bộ GTVT đang dự thảo sửa đổi nhiều quy định để thay đổi thực trạng này...

Bến xe Đức Long (Đà Nẵng) được Công ty CP Đức Long Đà Nẵng đầu tư cả trăm tỷ đồng nhưng hầu như không hút được xe vào bếnẢnh: Xuân Huy
Bến xe Đức Long (Đà Nẵng) được Công ty CP Đức Long Đà Nẵng đầu tư cả trăm tỷ đồng nhưng hầu như không hút được xe vào bến

Lĩnh đủ vì quy hoạch không rõ ràng...

Ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT cho biết, các quy hoạch bến xe hiện nay chưa được thực hiện đồng bộ với quy hoạch phát triển vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh, xe buýt và luồng tuyến. Điều này gây khó khăn cho việc đầu tư, xây dựng bến xe. 

Bến xe phía Nam Đà Nẵng do Công ty CP Đức Long Đà Nẵng đầu tư là một ví dụ điển hình. Bến xe này rộng 30 nghìn m2, khang trang, đầy đủ tiện ích, hạng mục công trình nhà chờ, phòng bán vé, bãi đỗ xe theo tuyến... với tổng đầu tư gần 130 tỷ đồng nhưng đang trong tình trạng vắng bóng xe ra vào.   

"Với tình hình hiện nay, nhất là với các bến xe tuyến huyện vẫn phải duy trì việc đa dạng hóa các hình thức bến xe. Tuy nhiên, cần đưa ra cơ chế chính sách để khuyến khích đầu tư bởi yêu cầu XHH hoàn toàn thì miền núi rất khó khăn. Ngoài việc XHH vẫn phải có sự đầu tư hạ tầng của Nhà nước, tư nhân chỉ hỗ trợ và khai thác”. 

Ông Nguyễn Văn Quyền Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Ông Phan Xuân Viên, Giám đốc Công ty CP Đức Long Đà Nẵng chua chát: “Hơn hai năm đưa vào sử dụng là chừng đó thời gian bến xe “đắp chiếu”. Đến nay, chỉ có hai đầu xe chạy tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn tham gia”.

Là nhà đầu tư tiên phong hưởng ứng chủ trương xã hội hóa (XHH) đầu tư bến xe, ông Viên không ngờ “thảm đỏ” lại đưa mình đến “cửa tử”. Lãnh đạo Tập đoàn Đức Long cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do TP Đà Nẵng không phân định luồng tuyến bến xe phía Bắc, phía Nam theo đúng quy hoạch. Tháng 6/2013, UBND TP Đà Nẵng chỉ đồng ý cho các phương tiện xe tải, xe container và các xe tuyến cố định đăng ký mới vào khai thác tại bến xe phía Nam. Đồng thời, giao trách nhiệm cho doanh nghiệp phải tự vận động, kêu gọi các nhà xe đăng ký hoạt động.

“Bến xe có năng lực khai thác lên đến 800 - 1 nghìn lượt xe xuất bến/ngày và dự kiến sau 10 năm sẽ hoàn vốn. Nhưng với thực trạng này, chúng tôi đang phải “còng lưng” trả tiền lãi vay 20 triệu đồng/ngày, hiện lên đến 17-18 tỷ đồng. Từ số nhân viên vài chục người, nay chỉ còn ba người túc trực tại bến để “đóng lệnh” cho hai xe Đà Nẵng - Quy Nhơn. Mỗi ngày tiền thu phí 100 nghìn đồng, chưa đủ tiền điện”, ông Viên nói.   

Ông Phan Xuân Viên, Giám đốc Công ty CP Đức Long Đà Nẵng ngán ngẩm trước cảnh im lìm của bến xeẢnh: Xuân Huy
Ông Phan Xuân Viên, Giám đốc Công ty CP Đức Long Đà Nẵng ngán ngẩm trước cảnh im lìm của bến xe

...Và thay đổi xoành xoạch

Tại cuộc họp bàn về Dự thảo quyết định về cơ chế chính sách thu hút XHH đầu tư và khai thác bến xe khách (tổ chức ngày 24/11), ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đến nay mới chỉ có 213/457 bến xe khách trên toàn quốc (chiếm 46,6%) được XHH. Nguyên nhân do hầu hết các bến xe khách được đầu tư bằng 100% vốn của tư nhân, thường gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với các bến xe của Nhà nước. Vì thế, dù một số bến xe được tư nhân đầu tư hiện đại, nhưng lại đang khai thác với công suất thấp hơn nhiều so với thiết kế. 

Theo bà Trịnh Minh Hiền, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) nay là Cố vấn của Bộ trưởng GTVT: “Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư e ngại là việc không đảm bảo quy hoạch vị trí các bến xe của các địa phương vì tư duy nhiệm kỳ, mỗi khi lãnh đạo mới lên lại có một bản quy hoạch mới. Có khi quy hoạch bến xe mới nằm ngay cạnh bến xe cũ chưa quá tải khiến nhà đầu tư giãy nảy”. 

Đồng quan điểm, ông Mười cho rằng, tại tỉnh Thái Bình, theo quy hoạch lần một là 12 bến, nhưng sau khi rà soát vừa ký phê duyệt xong chỉ còn 7 bến. Trong khi đó, có một bến của Công ty Hoàng Hà chỉ cách bến xe trung tâm 500 m. “Trong cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư vừa rồi, họ đặt ra yêu cầu là phải bảo đảm được quy hoạch trong thời gian 50 năm mới có thể yên tâm đầu tư. Nếu người ta bỏ ra một đống tiền rồi sau đó lại cho một ông bến xe khác nằm cạnh, không bao giờ thu hồi được vốn”, ông Mười nói.

Thêm nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư

Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm, một trong những bến xe được XHH đầu tiên ở Hà Nội cho rằng: “Cơ quan quản lý phải có những quy hoạch về luồng tuyến xem có xe nào về bến. Nếu không có quy hoạch tuyến vận tải, nhà đầu tư làm sao biết được lưu lượng xe như thế nào để đầu tư”. 

Dự thảo quyết định về cơ chế chính sách thu hút XHH đầu tư và khai thác bến xe khách quy định cụ thể về cơ chế chính sách khai thác bến xe theo hình thức XHH. Miễn thuế đất, sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích của bến xe khách tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Đối với các bến xe còn lại, miễn tiền thuê đất, thuế sử dụng đất đối với phần diện tích của các hạng mục công trình dịch vụ công như: Khu vực đón - trả khách, bãi đỗ xe ô tô chờ vào đón khách, phòng chờ hành khách… Bên cạnh đó, các đơn vị đầu tư cũng sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm.

Trước thực tế này, Bộ GTVT đang xây dựng Dự thảo quyết định về cơ chế chính sách thu hút XHH đầu tư và khai thác bến xe khách trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo ông Mười, dự thảo này ngoài việc lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ GTVT cũng đã tổ chức lấy ý kiến từ các doanh nghiệp đầu tư bến xe.

Theo đó, đối với công tác quản lý bến xe khách theo hình thức XHH, các địa phương sẽ phải quản lý quy hoạch vị trí các bến xe đảm bảo ổn định trong thời gian tối thiểu là 20 năm.

Về cơ chế, chính sách đầu tư, ngân sách Nhà nước sẽ đầu tư đường xe ra - vào bến đối với bến xe khách nằm trong quy hoạch, đồng thời bảo đảm thời gian đưa vào sử dụng đáp ứng tiến độ xây dựng và khai thác của bến xe.

Đối với bến xe khách tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, UBND các tỉnh có trách nhiệm bố trí ngân sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư bến xe theo hình thức XHH. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng các hạng mục cơ bản của bến xe như: Khu vực đỗ xe đón - trả khách, nhà vệ sinh, phòng vé và phòng chờ cho hành khách, văn phòng làm việc, các trang thiết bị cơ bản để tổ chức hoạt động của bến xe… 

Ngoài ra, căn cứ vào nguồn lực của từng địa phương, sẽ có sự hỗ trợ tối thiểu 20% lãi suất vay các tổ chức tín dụng hoặc bố trí nguồn vốn từ Quỹ đầu tư phát triển địa phương với lãi suất ưu đãi đối với dự án đầu tư bến xe khách…

Tiến Mạnh - Xuân Huy

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.