Hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) và Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) |
Ngày 13/4, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) và Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Nhiều ĐB đánh giá, đường sắt có nhiều điểm ưu việt song đầu tư cho loại hình vận tải này chưa xứng tầm.
Một số quy định chưa cụ thể
Trước khi xin ý kiến các ĐB về Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu nêu thực trạng, lâu nay hệ thống đường sắt từ thời Pháp của nước ta dường như không có sự thay đổi, bộ mặt đường sắt còn yếu kém so với nhiều nước trên thế giới. Khẳng định đây là loại hình giao thông mang nhiều ưu việt, đặc biệt phù hợp với địa hình nước ta, nhưng ông Hiểu cũng nhận định đầu tư cho đường sắt lâu nay vẫn chưa xứng tầm với những lợi ích mà loại hình vận tải này mang lại.
Góp ý vào Luật Chuyển giao Công nghệ (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho rằng, để tránh tình trạng chuyển giao công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường cần quy định rõ việc xử lý vi phạm. Thế nhưng, dự thảo luật lại chưa thể hiện rõ ràng, trong khi thời gian qua chúng ta đã có những bài học đắt về vấn đề này. |
Góp ý vào dự thảo, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng CSGT TP Hà Nội đánh giá, một số điều quy định còn chung chung. Cụ thể, Khoản 3, Điều 23 quy định hành lang ATGT đường sắt và cho rằng, trong khi Luật Đường sắt năm 2005 quy định cụ thể, chi tiết chiều cao giới hạn, chiều rộng giới hạn trong hành lang ATGT đường sắt, thì luật sửa đổi lại chỉ ghi chung chung.
Về quy định trách nhiệm trong khắc phục hậu quả sự cố đối với kết cấu hạ tầng đường sắt, Luật năm 2005 quy định trách nhiệm khi để xảy ra sự cố, đều nêu rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị và trách nhiệm của bên phải đứng ra khắc phục. “Nhưng luật sửa đổi chỉ ghi chung chung các bên có trách nhiệm như Bộ GTVT có trách nhiệm, UBND có trách nhiệm, các bộ, ban, ngành cũng có trách nhiệm. Vậy trách nhiệm thế nào? Ai chịu trách nhiệm chính? Nếu ghi chung chung thì không quy được trách nhiệm nên phải luật hóa quy định về trách nhiệm cụ thể”, ông Hùng nói và chia sẻ thêm, về phía công an, khi có sự cố xảy ra, hậu quả có thể đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải có căn cứ trong luật để quy được trách nhiệm của đơn vị, cá nhân khi để sự cố xảy ra.
“Như trong vụ TNGT đường sắt mới đây khiến 6 người chết, công an cần xem xét xử lý hình sự một số người vận hành trong nút giao đường sắt đó, nhưng do chưa quy định rõ nên còn vướng mắc, khiến việc xử lý chưa đầy đủ, chưa mang tính răn đe”, ông Hùng dẫn chứng.
Tạo hành lang pháp lý để đường sắt phát triển
Đề cập đến vấn đề hành lang ATGT đường sắt, Phó cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Khương Thế Duy cho rằng, việc hình thành các khu đô thị, khu dân cư dọc đường sắt đã có từ rất lâu đời nên lấy lại hành lang ATGT đường sắt để đảm bảo an toàn chạy tàu là rất khó. “Nếu tính 15m dọc hai bên đường sắt lấy ra để làm hành lang ATGT đường sắt thì có hơn 9 triệu m2 đất. Tính giá trị đền bù giải tỏa theo giá tính toán năm 2013 rơi vào khoảng gần 50.000 tỷ đồng. Đó là khối lượng cực kỳ lớn không dễ gì một lúc mà giải quyết được”, ông Duy nói và cho rằng, nên có quy định hành lang ATGT đường sắt cho từng vị trí cụ thể, ví dụ đoạn nào có tốc độ chạy tàu cao thì hành lang an toàn sẽ khác với đoạn tàu chạy tốc độ chậm.
Về chủ trương chung, ông Duy cho biết, cơ quan soạn thảo mong muốn khi Luật Đường sắt được sửa đổi sẽ có những chính sách phát triển đường sắt tốt hơn, tạo hành lang pháp lý để phát triển loại hình giao thông này.
Kết luận lại vấn đề, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đánh giá các nội dung trong Luật Đường sắt (sửa đổi) khá toàn diện và có tư duy đột phá. Ông Hiểu cũng bày tỏ mong muốn đường sắt tới đây phải thể hiện rõ vị trí chủ đạo. “Giao thông là huyết mạch, còn đường sắt phải là xương sống trong huyết mạch đó. Khi Luật sửa đổi ra đời, chúng tôi mong có sự thay đổi về đường sắt: từ đầu tư, nâng cao công nghệ, đề xuất các loại hình cũng như đảm bảo an toàn”, ông Hiểu nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận