Thời sự

Đầu tư công thủ tục rườm rà, có tiền không tiêu được

25/10/2018, 06:36

Thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, các ĐBQH ghi nhận kết quả đạt được...

4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu thảo luận tại tổ - Ảnh: Hồ Như Ý

Tư nhân xây 2 năm xong sân bay, Nhà nước mới chỉ xong dự án

Đề cập thực trạng phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật, trong đó có giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (ĐBQH Sóc Trăng) nêu thực tế 3 năm qua, dù chúng ta tập trung cao độ nhưng một số lĩnh vực, trong đó có giao thông tiến triển chậm.

Theo Bộ trưởng, việc này có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề khó khăn về nguồn vốn. “Thực tế, nếu chỉ dựa vào vốn vay và vốn Nhà nước thì khó có thể phát triển được hạ tầng kinh tế kỹ thuật, trong đó có giao thông. Vì vậy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có chủ trương đầu tư theo hình thức PPP để triển khai các dự án giao thông”, Bộ trưởng nói và cho biết, hiện Bộ GTVT đang tập trung triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức PPP. Tuy nhiên, thực tế các thủ tục đầu tư hết sức rườm rà.

Tháng 11/2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án. Một tháng sau đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết. Sau khi Chính phủ cụ thể hoá Nghị quyết của Quốc hội bằng các chỉ đạo, mới có những văn bản chính thức để Bộ GTVT triển khai. Bộ GTVT tổ chức đấu thầu lập dự án, chọn được tư vấn nghiên cứu, lập đề án. Sau một quy trình đấu thầu kéo rất dài, Bộ mới chọn được Tư vấn. Tư vấn phải cần 3 - 4 tháng để tập hợp tài liệu, nghiên cứu, báo cáo Bộ GTVT nhiều lần để hoàn chỉnh dự án trước khi báo cáo Chính phủ phê duyệt. Dự án được phê duyệt xong lại tiếp tục đấu thầu lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; khảo sát thiết kế. Sau khi phê duyệt xong dự án thiết kế kỹ thuật và dự toán mới tổ chức đấu thầu quốc tế, lập hồ sơ mời thầu…

“Thủ tục đầu tư công của ta hiện quá rườm rà, kéo dài. Mỗi một công đoạn tốn rất nhiều thời gian, qua nhiều bộ phận, nhiều khâu trung gian. Trong khi tư nhân chỉ mất 1,5 - 2 năm là xây xong sân bay Vân Đồn thì với ngần ấy thời gian, mình mới chỉ xong dự án. Như Bộ GTVT, có tiền rồi nhưng không giải ngân nổi. Cái gì cũng qua rất nhiều khâu”, Bộ trưởng chia sẻ.

Một lần nữa nhấn mạnh hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng trong 3- 4 năm nay chậm triển khai các dự án nguyên nhân chủ yếu do thời gian hoàn tất thủ tục quá dài, Bộ trưởng Thể đề xuất, muốn rút ngắn thời gian khi phê duyệt cần ấn định mỗi việc bao nhiêu ngày, bớt khâu trung gian. Ai làm sai, người đó chịu trách nhiệm. “Kỳ này Quốc hội góp ý Luật Đầu tư công, tôi rất mong các đại biểu nghiên cứu kỹ dự thảo, bỏ những quy định không cần thiết. Quy trách nhiệm cho bộ, ngành trực tiếp. Giờ là thời đại cách mạng 4.0, cái gì cũng nhanh trong khi công việc của ta giải quyết chậm như thế này hết sức khó khăn”, Bộ trưởng Thể kiến nghị.

Bàn thảo nhiều nhưng làm rất chậm

ĐBQH Bùi Minh Châu (Phú Thọ) chia sẻ quan điểm cho rằng, giai đoạn vừa qua hoạt động của các cơ quan quản lý có vẻ cẩn trọng hơn, chùn hơn, bất cứ việc gì cũng ý kiến, bàn thảo rất nhiều nhưng làm rất chậm. Một dự án đầu tư trước kia rất nhanh nhưng bây giờ phải xin ý kiến ở địa phương, phải qua quy trình chặt chẽ. Cho rằng việc này cũng có cái tốt để tránh sai sót nhưng ông Châu nhận định sẽ tác động về lâu dài trong giai đoạn tiếp theo. “Như về BOT, phải khẳng định đây là chủ trương rất tốt, tất cả các quốc gia đều phải làm nhưng cách thức làm có chỗ được, có chỗ chưa được, nhưng về cơ bản là được. Thế nhưng hai năm trở lại đây, không có một nhà đầu tư nào dám đầu tư BOT, không có một ngân hàng nào dám cho vay đầu tư BOT”, ông Châu nêu thực tế.

Theo ông, việc này làm cho tăng trưởng của xã hội không có khả năng phát huy, tài sản không có khả năng sinh lời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan làm sao sớm khơi thông nguồn lực rất lớn từ trong dân, của DN và của xã hội để phát triển kinh tế - xã hội.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng nhìn nhận, đầu tư công của chúng ta triển khai quá chậm. “Hai, ba năm nay chúng ta có tiền, Quốc hội cũng đã quyết định, thế mà không triển khai được. Cái này cần phân tích kỹ. Nếu vướng về thủ tục phải thay đổi thủ tục, chứ có tiền mà không đầu tư được thì rất gay, làm sao tạo ra của cải vật chất”, ông Vượng nói và cho rằng, đất nước muốn phát triển phải có công trình. Ví dụ, sân bay Long Thành đã có tiền rồi, đường cao tốc Bắc - Nam Quốc hội đã thông qua phải làm ngay, bởi cơ sở hạ tầng tốt mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Cũng theo ông Vượng, trong tình hình hiện nay phải chú ý đặc biệt đến môi trường và khí hậu, không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Ông Vượng dẫn chứng vụ Formosa và đánh giá đây là bài học đắt giá, làm mọi người thức tỉnh về vấn đề môi trường.

“Liệu cơm gắp mắm” để cân đối ngân sách

Nhấn mạnh những kết quả tương đối toàn diện đạt được trong thời gian qua, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn chia sẻ “chưa an tâm”. Ông cho rằng phải cố gắng tìm ra động lực phát triển mới tốt hơn, nếu không chúng ta sẽ “luẩn quẩn mãi”.

Đề cập đến ngân sách, Thủ tướng lưu ý “đừng mặc áo quá đầu”, phải “liệu cơm gắp mắm” để giữ cân đối ngân sách. Về nợ công, ông cho rằng nếu đi vay tràn lan để đầu tư phát triển sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. “Tất nhiên, nếu dừng lại không làm gì cũng chết, nhưng đầu tư bừa bãi còn nguy hiểm hơn”, Thủ tướng nói.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh phải tiến hành mạnh mẽ công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, cần đặt ra ở các cấp các ngành, làm sao cho tốt để không ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến ý chí dân tộc của người dân Việt Nam và nhấn mạnh, phải hợp tác tốt hơn, có ý chí, quyết tâm hơn trong công việc, phải làm đến nơi đến chốn. “Dân tộc Việt Nam 100 triệu dân phải làm sao chung một ý chí quyết tâm sẽ có chuyển biến rất mạnh mẽ. Nếu phát động được quần chúng, giám sát, thúc đẩy thì nhiều việc tốt sẽ được làm mà không tốn kém tiền bạc”, Thủ tướng nói và nhắn nhủ, Chính phủ sẽ lắng nghe tiếp thu để chất lượng công việc năm 2019 tốt hơn, để người dân cảm thấy Quốc hội, Chính phủ lo cho dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.