Thống kê của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN, trong 9 tháng đầu năm (tính từ ngày 15/12/2023-14/09/2024), trung tâm đã nhận được 238 vụ báo nạn. Trong đó, có 214 vụ báo nạn thật, chiếm 89,9%.
Trung tâm đã tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trong 190 vụ với 24 vụ phải điều động phương tiện SAR hoạt động TKCN trên biển với 28 lượt huy động.
Kết quả, đã có 906 người gặp nạn trên biển được cứu kịp thời, trong đó 823 người Việt Nam và 83 người nước ngoài. Tổng số phương tiện được cứu và hỗ trợ là 51 tàu (trong đó 48 tàu Việt Nam và 3 tàu nước ngoài).
Những năm gần đây, kinh tế biển nói chung, kinh tế hàng hải nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong đó, cảng biển Việt Nam đã đón được những tàu container có trọng tải thuộc hàng lớn nhất thế giới, với trọng tải lên tới hơn 232.000 DWT.
Có thể nói, Việt Nam dần trở thành khu vực hoạt động hàng hải sôi động trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến tai nạn, sự cố hàng hải.
Hiện nay, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN (trực thuộc Cục Hàng hải VN) là cơ quan đầu mối TKCN quốc tế trực tiếp xử lý vụ việc liên quan đến tàu thuyền Việt Nam và thuyền viên Việt Nam gặp nạn trong quá trình hoạt động, làm việc ở vùng biển nước ngoài.
Theo VMRCC, công tác phối hợp TKCN trên biển đã giúp đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, đồng thời thể hiện trách nhiệm của quốc gia có biển, quốc gia có cảng, quốc gia thành viên Công ước quốc tế về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), Công ước Quốc tế về tìm kiếm cứu nạn (SAR 79), Công ước Quốc tế về An toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS 74)… cứu và hỗ trợ người gặp nạn trên biển, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, điều kiện và hoàn cảnh.
Từ đó, xác lập uy tín và lòng tin quốc tế về hệ thống TKCN trên biển của Việt Nam, cũng như khẳng định vai trò, vị thế của ngành Hàng hải Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Để đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hoạt động phối hợp TKCN trên biển, thời gian qua, Trung tâm đã duy trì đường dây nóng liên lạc TKCN với các tổ chức TKCN quốc tế trong khu vực và trên thế giới nhằm trao đổi, chuyển giao, tiếp nhận, cung cấp thông tin báo nạn trên biển theo trách nhiệm của quốc gia chủ trì.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức công tác diễn tập xử lý thông tin TKCN với các cơ quan cứu nạn quốc tế như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các quốc gia ASEAN…
Cùng đó, chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức quốc tế trong các hoạt động đào tạo, tập huấn nghiệp vụ TKCN nhằm nâng cao năng lực và phối hợp quốc tế cho lực lượng TKCN hàng hải Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận