Tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao so với thế giới
Sáng 22/7, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe các báo cáo về KTXH.
Mở đầu phiên làm việc, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KTXH, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.
Sáng nay (22/7), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe các báo cáo về KTXH
Báo cáo Quốc hội, Phó Thủ tướng cho biết: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64% (cùng kỳ năm 2020 là 1,82%), là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 6 tháng chỉ tăng 1,47%, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm; Khởi công một số công trình trọng điểm và dự án đường bộ cao tốc; đẩy mạnh triển khai nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia.
“Hiện chúng ta đang triển khai 61 công trình, dự án giao thông, trong đó có 19 công trình, dự án trọng điểm. Đã hoàn tất công tác chuẩn bị và khởi công 7 công trình, dự án”, Phó Thủ tướng thông tin.
Chính phủ đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các Đề án quy hoạch quốc gia chuyên ngành về GTVT, năng lượng, trong đó có các đề án quy hoạch về mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030; tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030; kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030; tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030...
Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền những điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc tồn tại trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp; Rà soát, điều chỉnh danh mục các dự án đầu tư công theo hướng tập trung, ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm.
Số dự án giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến dưới 5.000, giảm mạnh so với các nhiệm kỳ trước (số lượng các dự án đầu tư công các giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020 lần lượt là 22 nghìn dự án và 11,1 nghìn dự án).
Phát huy vai trò vốn “mồi” của đầu tư công
Trong những tháng còn lại của năm 2021, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và tổ chức chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”.
“Ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong 6 tháng cuối năm, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ đặt ra là thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược.
Theo đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển. Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Tiếp tục cơ cấu lại, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; khắc phục tình trạng manh mún, chia cắt, dàn trải, kéo dài, kém hiệu quả; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào hạ tầng chiến lược, các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, kết nối vùng và liên vùng, tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa, phát huy vai trò vốn “mồi” của đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, thúc đẩy các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Thúc đẩy tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, đường sắt đô thị...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận