Sáng nay, phát biểu tại hội trường Quốc hội, với tư cách thành viên tham gia giám sát vụ việc tại Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, hà Nội) đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt vấn đề: "Sau 2 năm, Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận nhưng mới chỉ tìm hiểu một phía từ chính quyền. Vậy có nên khép lại hay không"?.
“Cuối tháng 2/2019, Bộ Công an trả lời chúng tôi nghiêm túc bằng văn bản về vụ việc Đồng Tâm tuy nhiên lại đóng dấu mật. Theo đó, trong vụ bắt cụ Lê Đình Kình, Bộ Công an giải thích do cán bộ thực hiện lệnh bắt khẩn cấp, có một số người địa phương tới can thiệp, giành giật gây ra hậu quả đáng tiếc khiến chân cụ Kình bị gãy. Ngay sau đó, lãnh đạo Hà Nội đã chỉ đạo chữa chạy cho cụ. Viện Kiểm sát đã rút lại lệnh bắt cụ Kình song tới nay vẫn đang tiếp tục truy cứu vụ việc này.
"Gần đây, Thanh tra Chính Phủ đã kết luận khẳng định quyết định của Thanh tra Hà Nội tại Đồng Tâm là đúng tức là việc tố cáo không chính xác. Sự việc như thế có thể khép lại được hay không? Tôi cho rằng là không. Trước hết, việc bắt giữ như vậy có cần thiết với ông già 80 năm tuổi đời 55 tuổi đảng hay không? Tại sao phải dẫn dụ người ta ra đồng đi kiểm tra mốc giới để bắt. Tại sao không bắt một cách đàng hoàng trước sự chứng kiến của người dân và chính quyền địa phương?”, ông Quốc thẳng thắn nêu vấn đề trước hội trường Quốc hội.
Vị đại biểu Đồng Nai cho rằng ông hết sức tôn trọng kết luận Thanh tra Chính phủ nhưng chính người dân Đồng Tâm thắc mắc tại sao chỉ hỏi lãnh đạo TP Hà Nội mà không hỏi tiếp cận họ? “Vậy kết luận này có khoa học khách quan hay không khi lẽ ra tất cả những đương sự liên quan, những người tố cáo đúng sai chưa biết, đều cần được tiếp cận”, ông Quốc tiếp tục nêu câu hỏi.
Với tư cách nhà sử học, ông Quốc nhận định, điểm yếu “gót chân achilles” của chính quyền Hà Nội trong vụ việc tại Đồng Tâm là không đưa ra được bằng chứng lịch sử. “Từ thời thượng cổ khi nói về vấn đề lãnh thổ, đất đai bao giờ cũng đi kèm theo bản đồ. Tôi rất mong nếu có thời gian, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ hãy vào Cục lưu trữ Nhà Nước để xem kho địa tạng nhà Nguyễn. Trong 31 năm, họ lập tất cả bản đồ cho hơn 18 nghìn làng xã, dù là thửa đất nhỏ nhất cũng được đo đạc từng tấc, vẽ đầy đủ trên cơ sở pháp lý với chứng nhận của những người liền kề, sau đó được sao 3 bản“, ông Quốc dẫn giải và khẳng định: Nếu Chính phủ đưa ra bản đồ về diện tích đất tại Đồng Tâm mà Thủ tướng Đỗ Mười trao cho Bộ Quốc phòng từ năm 1991 thì sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra. Cũng như vụ Thủ Thiêm, việc nhập nhèm về bản đồ địa giới khiến người dân bức xúc và có quyền được hỏi.
Trong việc này, ông Quốc cho rằng Chính phủ nên nhìn nhận khách quan, sẽ lấy được niềm tin của nhân dân.
Trước đó, ngày 25/4, Thanh tra Chính phủ công bố kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP về việc thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Kết luận chỉ rõ: Thanh tra TP Hà Nội đã làm rõ các kiến nghị, phản ánh của ông Lê Đình Kình và một số hộ dân. Trong đó, làm rõ diện tích 28,7 ha chênh lệch; việc đề nghị tiền bồi thường về đất khi giải phóng mặt bằng khu đất 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng; diện tích đất Sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm. Kết luận về diện tích đất Sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm là có căn cứ, việc kiến nghị của ông Lê Đình Kình là không có căn cứ, không có cơ sở.
“Việc tiến hành thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về thanh tra, các nội dung của kết luận thanh tra phù hợp quy định của pháp luật, bảo đảm tính chính xác”, kết quả rà soát của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Theo Thanh tra Chính phủ, trong thời gian tới, các cơ quan có trách nhiệm ở địa phương cần tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân nhận thức rõ trách nhiệm của mình, chấp hành nghiêm nội dung kết luận thanh tra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận