Sáng 18/11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. |
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và Bộ trưởng Thông tin&Truyền thông Trương Minh Tuấn đã lần lượt hoàn thành phần trả lời chất vấn của mình.
Thời gian dành cho chất vấn và trả lời chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình sẽ gói gọn trong buổi sáng. Sau đó, sang đầu giờ chiều, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời để làm rõ thêm các vấn đề mà bốn Bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời trước đó.
Bao giờ xử vụ hoa hậu Phương Nga?
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) băn khoăn việc tinh giản biên chế của ngành toà án trong khi các vụ án tăng nhanh; đâu là giải pháp để ngành toà án vừa tinh giản biên chế và vừa đảm bảo tiến độ, chất lượng xét xử? Nữ ĐB đoàn Hà Nội cũng bày tỏ sự quan tâm về vụ án Trương Hồ Phương Nga, hiện tạm dừng xét xử. "Vậy kế hoạch thời gian tới và hướng xét xử như thế nào?", bà Mai chất vấn.
Tuy nhiên, khi Chánh án Nguyễn Hoà Bình chuẩn bị trả lời nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn đề nghị Chánh án trả lời thông tin liên quan đến việc HĐXX không cho cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga trả lời về chi tiền “chạy” ĐBQH tại phiên toà xét xử.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, việc chủ toạ phiên toà không cho bị cáo khai vì vụ án đã được tách, theo quy định của luật việc này là được phép.
“Bị cáo khai việc chi tiền cho 2 mục đích là chi cho hội đồng bầu cử địa phương để có tên trong danh sách ứng cử; và chi giải quyết việc báo chí viết về bằng tiến sĩ giả của Châu Thị Thu Nga ở thời điểm đó”, ông Bình thông tin.
Về cách chi, Châu Thị Thu Nga biết một doanh nhân buôn bán vàng có quan hệ rộng ở Hà Nội nên chủ động gặp, đưa cho anh này nhiều lần, có lần 100.000 USD, có lần 200.000 USD ở các địa điểm khác nhau, nhưng anh này mang đi đâu làm gì thì Châu Thị Thu Nga không biết, việc đưa chỉ 2 người nên không có chứng cứ gì. Còn đối chất thì người đàn ông này nói quen Châu Thị Thu Nga nhưng không nhận tiền và không biết sự việc.
“Do đó, tách ra là cần thiết và toà cũng không thể làm rõ. Nếu làm rõ thì ta có phiên toà công khai khác”, Chánh án cho hay.
Xét xử án tham nhũng lớn kéo dài
Chất vấn về tình trạng chuyển tội danh tham nhũng thành tội danh khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu 4 hạn chế liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được dư luận đặc biệt quan tâm.
Thứ nhất, về thời hạn thì kéo dài, vi phạm quy định về thời gian điều tra, truy tố, xét xử. Có vụ khởi tố từ năm 2014 đến nay vẫn chưa kết thúc. Đáng chú ý, có những trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài ngay tại thời điểm chưa khởi tố.
Thứ hai là tỉ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung rất cao, cao nhất trong tất cả các loại án, đặc biệt là các vụ án do cơ quan điều tra cấp trung ương và VKSND tối cao kiểm sát điều tra. Năm 2017, tỉ lệ này là 71,1%.
Thứ ba, có những vụ án kết quả xét xử sơ thẩm chưa nhận được sự đồng tình cao của dư luận. Nhất là việc xác định tội danh, đặc biệt là có dấu hiệu chuyển từ tội về tham nhũng sang tội kinh tế ngay từ giai đoạn điều tra, nhất là từ tội tham ô sang tội cố ý làm trái.
Thứ tư, thi hành án thu hồi tài sản tham nhũng rất là thấp. Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống tham nhũng. “Đề nghị Chánh án TAND dân tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Tư pháp cho biết tình trạng trên xuất phát từ nguyên nhân nào? Trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới ra sao?”, bà Nga chất vấn.
Về câu hỏi này, Chánh án Toà tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết có bản án trả lại và truy tố đúng tội danh. Còn điều tra kéo dài và thi hành án không thu hồi được là trách nhiệm cơ quan điều tra, truy tố. Ông cũng đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao và Bộ trưởng Bộ Công an làm rõ thêm.
ĐB Lê Thị Nga tranh luận: “Đề nghị Chánh án làm rõ giải pháp khắc phục vấn đề mà ĐB nêu về việc xét xử kéo dài các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn. Nói bản lĩnh của thẩm phán, Chánh án đề cập có tình trạng “né tránh”, “ngại va chạm”. Nếu có tình trạng như vậy thì đề nghị Chánh án có giải pháp giải quyết”.
Bỏ xét xử lưu động là cần thiết
ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) chất vấn: “Việc bỏ các phiên toà xét xử lưu động có làm giảm tác dụng tuyên truyền, răn đe tội phạm hay không?”.
Trả lời câu hỏi này, Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định, trong thời gian dài, đặc biệt trong điều kiện chiến tranh, việc tổ chức các phiên toà lưu động có tác dụng tuyên truyền rất lớn. Nhưng với điều kiện ngày nay, theo ông không cần phải đến toà xem xét xử, đặc biệt là khi đã công khai các kết quả xét xử trên mạng để ai cũng có thể tiếp cận.
“Việc tổ chức các phiên toà lưu động cũng tốn kém, phát sinh các vấn đề an ninh, trật tự, đặc biệt là với những phiên toà có đối tượng nguy hiểm. Hơn nữa, pháp luật chúng ta quy định một người chỉ có tội khi được toà án xét xử bằng bản án có hiệu lực, chính vì vậy việc đưa các bị can, bị cáo xét xử lưu động cũng đem đến những tác động không nhỏ về mặt xã hội, đặc biệt là gia đình, người thân của họ”, Chánh án giải thích.
ĐB Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An) băn khoăn hiện nay án đánh bạc được xử án treo rất nhiều, đề nghị Chánh án cho biết có tình trạng tiêu cực trong xét xử loại án này hay không ?
Chánh án Nguyễn Hoà Bình trả lời, bản thân chế định án treo có tác dụng tích cực, có tác dụng răn đe, phòng ngừa, đặc biệt đối với các tội như đánh bạc, các tội về vi phạm an toàn giao thông… Trên thế giới tỉ lệ án treo là 60%, còn ở Việt Nam là 20%, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực giao thông, đánh bạc, tổ chức đánh bạc...
“Nguyên tắc án treo, theo nghị quyết 49 của Đảng, chúng ta tăng cường các biện pháp không giam giữ như phạt tiền, xử án treo. Đối với những vụ án lấy đồng tiền làm phương thức phạm tội thì không nên lấy biện pháp giam giữ làm chính, cần phạt tiền là chính”, ông giải thích. Về chuyện có chuyện tiêu cực ở đây không, Chánh án cho rằng, các thẩm phán, chủ toạ phiên toà rất ngại tuyên án treo, bởi các án treo thường bị kiểm tra. Còn trong những vụ cụ thể, nếu đại biểu phản ánh có tiêu cực thì xin phản ánh để TAND Tối cao kiểm tra, xử lý.
Nợ đọng BHXH sẽ bị coi như tội phạm
ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) chất vấn Chánh án về việc DN nợ BHXH kéo dài và chưa có giải pháp hiệu quả, công đoàn nhiều nơi đã nộp đơn khởi kiện nhưng đều bị tòa án trả lại, với những lý do không thống nhất. ĐB hỏi Chánh án về giải pháp tình trạng này.
Trả lời, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, các DN đang nợ hơn 14.000 tỉ đồng, tòa án đã xử lý hơn 3.000 vụ và yêu cầu trả hơn 16% số nợ bảo hiểm. Quy định của luật là cơ quan BHXH có quyền kiểm tra và xử phạt, sau đó mới đến tòa giải quyết. Chính vì vậy tòa mới có công văn yêu cầu không xử lý nữa, theo đúng tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo một số văn bản như ĐB nêu là Liên đoàn lao động có quyền kiện, thời gian qua trong thực tế thì công đoàn đã khởi kiện 138 vụ. Nhưng có vướng mắc là đại diện công đoàn không được người lao động ủy quyền, nên ra tòa không nắm được tình tiết để bảo vệ. Thứ hai, đây là vụ kiện dân sự, các bên bình đẳng với nhau mà việc dân sự cốt ở đôi bên, nghĩa là thỏa thuận. Nhưng công đoàn không có quyền đại diện để thỏa thuận, dẫn tới vụ án bế tắc. Chính vì vậy kể cả quy định của luật và thực tiễn đều khó.
"Đây là thực tế rất nóng, để nợ đọng kéo dài sẽ không đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi nghỉ hưu. Sau 1/1/2018, các hành vi nợ BHXH sẽ bị coi như tội phạm, và khi vụ án xảy ra thì tòa án phải thụ lý", ông Bình cho biết.
Có vụ xét xử trả hồ sơ đến 7 lần
ĐB Nguyễn Văn Chiến. |
ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) chất vấn về việc trả hồ sơ trong xét xử án hình sự và hủy án trong dân sự, cử tri phản ánh có vụ án bị án đang thụ án nhưng lại bị đưa ra xử, trái nguyên tắc một người không bị xử hai lần trong cùng vụ việc.
Vấn đề thứ hai là đang có bất nhất về nghiệp vụ trong xử lý việc kháng nghị án, có khi người dân một tay cầm bản án của tòa nói xử đúng, tay kia cầm văn bản của VKS nói xử sai. "Tại sao tình trạng này kéo dài?", ĐB chất vấn.
Trả lời, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận là có thực tế như ĐB nêu, thậm chí có vụ trả 7 lần. Trong năm 2017 đã trả điều tra bổ sung hơn 2.000 vụ, đây là điều cần thiết khi thấy có dấu hiệu oan, bỏ lọt tội phạm, cũng là chế định luật cho phép. Chánh án cho biết, trong đó có hơn 140 vụ trả điều tra nhiều lần, có 9 vụ trả 5 lần và 1 vụ trả 7 lần. Nguyên nhân tại sao vụ án kéo dài, theo Chánh án, đầu tiên là do chất lượng điều tra và truy tố, hồ sơ điều tra nằm ở tòa luôn theo quy định của luật, còn việc kéo dài thì nằm ở giai đoạn trước xét cử. Riêng việc trả lại nhiều lần có nguyên nhân từ điều tra có vấn đề, còn thẩm phán cũng có người thiếu bản lĩnh, nể nang khi tuyên án... Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, trước khi xét xử tòa án chỉ được trả một lần và trong quá trình xử được trả lần nữa. Giải pháp là các cơ quan điều tra truy tố phải nâng cao chất lượng, đối với tòa án thì các thẩm phán tuân thủ quy định, không được trả quá nhiều lần.
Sẽ bồi thường người bị hàm oan 28 năm
ĐB Lê Ngọc Hải. |
ĐBQH Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) chất vấn Chánh án TAND tối cao về kỳ án ba mẹ con 28 năm mang án oan giết chồng, giết cha dưới chân đèo Pha Đin (Tuần Giáo, Điện Biên). Theo ĐB tỉnh Quảng Nam, vừa qua, dư luận rất bức xúc trướcvề vụ án này.
Theo đó, bà Đặng Thị Nga (80 tuổi) và 2 con trai là Trịnh Công Hiếu và Trịnh Huy Dương đã bị kết án về tội giết chồng, giết cha. Cả 3 mẹ con cùng rơi vào vòng lao lý 28 năm. Không chịu được nỗi oan ức, người con trai của bà Nga là Trịnh Công Hiếu đã qua đời, mang theo nỗi oan về tội giết cha.
Ngày 24/10/2017, cơ quan tố tụng Điện Biên xác định vụ án bị oan, tiến hành tổ chức xin lỗi công khai gia đình người bị oan, hậu quả để lại cho gia đình người bị oan là rất lớn. “Đề nghị Chánh an cho biết trách nhiệm gây oan thuộc về cơ quan tổ chức hay cá nhân nào? Trách nhiệm xử lý ra sao?”, ĐBQH chất vấn.
Theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình đây là vụ án rất đáng tiếc, xảy ra từ rất lâu, đến nay đã 28 năm và có người đã chết. Ông kể, khi có ĐBQH chuyển cho ông hồ sơ vụ án này, ông đã thấy có dấu hiệu hàm oan. “Thực chất vụ án này, Toà án tối cao đã huỷ từ năm 2003. Huỷ xong để ở cơ quan điều tra đến giờ này không có kết luận cuối cùng. Khi các ĐBQH chuyển thông tin cho tôi kiểm tra, tôi căn cứ vào biên bản khám nghiệm tử thi ban đầu, nguyên nhân cái chết là vỡ sọ. Yêu cầu của TAND tối cao khám nghiệm lần 2 thì hộp sọ còn nguyên. Trong thời gian ngắn, chúng tôi khẳng định đây là vụ án oan nên đã đình chỉ vụ án và tiến hành xin lỗi gia đình”, Chánh án Toà tối cao thông tin.
Công việc tiếp theo, ông nói đó là bồi thường cho người bị oan, việc này đang được tiến hành theo quy định. Về câu chuyện trách nhiệm mà ĐBQH đề cập, ông cho rằng chắc chắn sẽ có xử lý trách nhiệm. “Việc này trước hết là 3 cơ quan tiến hành tố tụng ở Điện Biên phải xem lại hồ sơ, kiểm điểm và xử lý theo quy định ở cả 3 giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử”, Chánh án cho hay.
Công khai bản án trên mạng, bí mật đời tư có được đảm bảo?
Trả lời ĐB chất vấn về việc công khai bản án trên mạng liệu có đảm bảo bí mật đời tư, Chánh án Nguyễn Hoà Bình đánh giá đây là giải pháp đột phá và cho biết, nó được áp dụng từ năm 2017 và có nhiều tác dụng.
Thứ nhất, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp; đây cũng là chủ trương tuân thủ nguyên tắc hoạt động của toà là công khai. Thứ hai, đánh giá được trách nhiệm thẩm phán khi đặt bút ký bản án thì sau đó vài ngày đông đảo người dân sẽ biết. Đây cũng là cơ chế để người dân giám sát bản án, đánh giá chất lượng thẩm phán.
“Đến nay Toà Tối cao đã công bố được 32.318 bản án. Từ tháng 9 đến nay có gần 1,4 triệu người dân truy cập và nhận được ý kiến của người dân góp ý cho hơn 1.600 bản án, đa số là đánh giá tích cực”, Chánh án thông tin.
Về băn khoăn việc này có ảnh hưởng tới quyền bí mật đời tư của công dân hay không, Chánh án khẳng định, Toà án đã ban hành Nghị quyết sẽ không công khai bản án liên quan tới an ninh quốc gia, bản án liên quan tới trẻ vị thành niên... và phải mã hoá tên những người liên quan trong bản án. "Bí mật đời tư của người dân được đảm bảo", ông Bình khẳng định.
ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) chất vấn về chủ trương cải cách tư pháp vừa chống oan sai vừa chống bỏ lọt tội phạm: Năm 2017, tòa án đã khởi tố bao nhiêu vụ án để chống bỏ lọt, kết quả chung việc này ra sao?
Trả lời câu hỏi, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói đây quyền mà luật cho phép, nhưng luật cũng yêu cầu đủ điều kiện mới được khởi tố. "Kiến nghị khởi tố thì chúng tôi làm thường xuyên, nhưng khởi tố tại toà mới có 12 vụ. Nếu khởi tố tại toà thì trách nhiệm của cấp xét xử là phải theo dõi kết quả của quyết định khởi tố này. Chúng tôi cũng nhận được sự hợp tác của Viện kiểm sát, cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, truy tố những vụ án khởi tố tại toà", ông Bình cho hay.
Chốt lại phần trả lời chất vấn của Chánh án TAND Tối cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống kê có 30 đại biểu chất vấn, còn 11 đại biểu chưa được chất vấn sẽ gửi câu hỏi đến Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp để Chánh án trả lời bằng văn bản. Chủ tịch Quốc hội nhận xét, trong phiên chất vấn hôm nay, Chánh án Nguyễn Hoà Bình đã trả lời khá rõ vì là người có kinh nghiệm, có một nhiệm kỳ làm Viện trưởng VKSND Tối cao và từng trả lời tại Quốc hội khoá XIIII. “Lần đầu trả lời chất vấn trên cương vị Chánh án TANDTC, Chánh án đã nắm chắc tình hình vầ thực trạng, trả lời thẳng thắn, cụ thể, khá rõ ràng, không né tránh, làm rõ vấn đề đại biểu nêu. Đương nhiên có những nội dung trả lời mà đại biểu chưa cảm thấy thoả đáng thì đề nghị chánh án trả lời bằng văn bản làm rõ thêm”, Chủ tịch Quốc hội nói và đánh giá, phần trả lời của Chánh án cơ bản nhận được sự hài lòng của Quốc hội, tuy nhiên, do vấn đề rộng và phức tạp nên có 12 ý kiến tranh luận. Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian vừa qua, công tác xét xử của toà án có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng đội ngũ được nâng lên, nhưng còn không ít tồn tại hạn chế do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, đòi hỏi ngành nỗ lực, quyết tâm hơn để có chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. |
Đề xuất chức danh tư pháp tuyên thệ “tuyệt đối không tham nhũng” ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đánh giá đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư đóng góp quan trọng vào phòng chống tham nhũng. Nhưng cử tri có đề xuất các chức danh tư pháp khi nhận quyết định bổ nhiệm hay được kết nạp nên đọc lời tuyên thệ, trong đó có thề tuyệt đối không tham nhũng. Ông Nghĩa cho biết ủng hộ đề xuất này và lý giải thêm, với 4 ngành này tuyên thệ như thế cũng góp phần đột phá trong phòng chống tham nhũng. “Khi bổ nhiệm được đọc lời tuyên thệ rõ ràng như vậy thì cử tri có niềm tin cao hơn và giám sát chặt chẽ hơn. Người tuyên thệ sẽ bảo vệ danh dự và uy tín của mình”, ông Nghĩa nói. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận