Điều tra

ĐBQH chỉ ra nhiều bất cập trong chính sách giảm nghèo ở Gia Lai

20/08/2017, 07:45

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai có báo cáo gửi UBND tỉnh Gia Lai về bất cập trong chính sách giảm nghèo.

Screen Shot 2017-08-19 at 10.25.41

Tỉnh Gia Lai yêu cầu kiểm tra sau khi ĐBQH có báo cáo đánh giá về chính sách giảm nghèo được thực hiện trong thời gian qua. 

Một công ty độc quyền cung ứng giống?

Tháng 4/2017, UBND tỉnh Gia Lai nhận được báo cáo của đại biểu Quốc hội Gia Lai (ông Đinh Duy Vượt, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tại Gia Lai và Rơ Ma Tuân, ĐBQH, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Gia Lai) về kết quả khảo sát việc thực hiện Chính sách hỗ trợ trực tiếp một số mặt hàng cho người dân thuộc hộ tại địa bàn tỉnh, trong đó nêu rõ một số bất cập.

Cụ thể, ĐBQH đã chỉ ra một số tồn tại như: một số loại cây trồng (lúa, ngô), các loại phân bón và con giống (bò, dê...) chưa đảm bảo chất lượng; sau khi cấp phát các Công ty cung ứng thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, theo dõi chất lượng để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương. 

Sau khi nhận được báo cáo của ĐBQH, cuối tháng 5, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề nghị thành lập đoàn và tiến hành kiểm tra giám sát về việc thực hiện trong công tác triển khai chính sách giảm nghèo ở nhiều địa phương. Tỉnh Gia Lai cũng đề nghị Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai (Công ty Phát triển Miền núi Gia Lai) báo cáo về tình hình cấp phát giống cho nhân dân trên toàn tỉnh.

Trước báo cáo của ĐBQH, bà Nguyễn Thị Sen, Giám đốc Công ty Phát triển Miền núi Gia Lai khẳng định, việc cung ứng giống được thực hiện đúng quy trình quy định. Các loại giống cũng đã được các cơ quan chức năng kiểm định theo quy trình để thực hiện.

"Việc bà con nuôi trồng không hiệu quả có thể do chăm sóc, mưa gió ... rồi nhiều nguyên nhân lắm. Có khi không hợp chuồng, người dân cột vật nuôi ở ngoài chuồng, cái gì cũng đổ thừa đơn vị này, đơn vị nọ. Việc con giống vật nuôi chết thì có đơn vị xuống kiểm nghiệm làm rõ theo quy định", bà Sen nói.

Nữ giám đốc cũng chia sẻ rằng, năm 2018 sẽ không đảm nhận việc cung cấp con giống, vật nuôi cho các dự án giảm nghèo của tỉnh Gia Lai mà để dành cho các chủ đầu tư khác.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về vấn đề này, lãnh đạo Ban Quản lý dự án giảm nghèo tỉnh Gia Lai (Trụ sở tại Sở Kế hoạch đầu tư) cho rằng, việc thực hiện dự án này không làm theo kiểu cấp phát mà thực hiện theo hình thức đăng ký nhóm hộ. Ví dụ: một nhóm nông dân có chung mục đích nuôi bò thì đơn vị sẽ tiến hành khảo sát đồng thời định hướng nông dân việc chăm sóc vật nuôi. Ban QLDA sẽ không cung cấp giống bò mà chỉ giám sát việc bà con mua giống. Điều này giúp cho bà con tự lựa chọn giống tốt đồng thời tăng khả năng phát triển đàn bò gia đình".

Việc kiểm tra các Dự án giảm nghèo của UBND tỉnh Gia Lai nhằm tìm ra mặt hạn chế, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục, nhằm đem lại hiệu quả tối đa cho đối tượng thụ hưởng là các hộ nghèo.

IMG_7461

Mục tiêu giảm nghèo Gia Lai đang trở thành cơ hội làm giàu cho Công ty cung ứng giống, trong khi đó dân bị chịu thiệt từ nguồn này?

Kết luận thanh tra phát hiện nhiều sai phạm

Mới đây UBND tỉnh Gia Lai cho biết, đã có kết quả sau khi thực hiện thanh tra nhà nước về Dự án giảm nghèo Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai.

Theo đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã phát hiện BQL dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai và BQL dự án 5 huyện trong vùng dự án có nhiều sai phạm về mặt tài chính. Cụ thể, 20 công trình bị phát hiện sai phạm với tổng số tiền hơn 279 triệu đồng; Tại hợp phần cơ sở hạ tầng kết nối do BQL dự án các huyện làm chủ đầu tư, trong 12 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng với số tiền 36 tỉ đồng, thanh tra phát hiện có 6 công trình có sai phạm, số tiền hơn 294 triệu đồng; Chế độ phụ cấp khu vực, BQL dự án 4 huyện Mang Yang, Kông Chro, Kbang, Krông Pa chi trả sai quy định số tiền gần 348 triệu đồng.

Thanh tra tỉnh Gia Lai cũng chỉ ra đối với hợp phần phát triển kinh tế bền vững, các tiểu dự án chăn nuôi chưa thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật  chăn nuôi cho bà con tham gia dự án. 

Được biết, Dự án giảm nghèo tỉnh Gia Lai được thực hiện trên địa bàn 25 xã thuộc 5 huyện gồm: Ia Pa, Kbang, Kông Chro, Krông Pa và Mang Yang. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 3/2014 đến tháng 12/2019, tổng số vốn đầu tư khoảng 28,6 triệu USD, trong đó, vốn vay Ngân hàng thế giới 27,15 triệu USD, vốn đối ứng Ngân hàng Nhà nước 1,45 triệu USD.

Mục tiêu phát triển của dự án là nâng cao mức sống thông qua cải thiện cơ hội sinh kế ở các xã nghèo trong vùng dự án bao gồm phát triển hạ tầng, tạo sinh kế, nâng cao năng lực và truyền thông…Hiện đã giải ngân được 121 tỉ đồng.

Đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh Gia Lai (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020) là 16,55%. Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỉnh Gia Lai đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn dưới 7%. Phấn đấu đến năm 2020 thành phố Pleiku và thị xã An Khê không còn hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.