Tình trạng quấy rối, xâm hại tình dục người bệnh gây bức xúc dư luận xã hội
Sáng nay (24/10), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre)
Về quy định hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 7 dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm quy định cấm lợi dụng việc khám bệnh, chữa bệnh để quấy rối, xâm hại tình dục người bệnh, thân nhân người bệnh.
Theo đại biểu Yến Nhi, thời gian qua, tình trạng quấy rối, xâm hại tình dục người bệnh, nhân nhân người bệnh đã diễn ra, gây bức xúc dư luận xã hội. Cho nên cần thiết phải được quy định trong luật để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Về việc thu hồi giấy phép hoạt động, bà Yến Nhi cho rằng khoản 1 Điều 54 đã có quy định tương đối chi tiết, tuy nhiên, bà đề nghị bổ sung thêm trường hợp bị thu hồi giấy phép hoạt động khi lần thứ 2 bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động do để xảy ra sai sót chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh.
"Việc bổ sung này sẽ đảm bảo xử lý nghiêm, hạn chế lặp lại những sai sót y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tạo niềm tin với người bệnh, nâng cao chất lượng khám bệnh", bà nói.
Về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm trước pháp luật khi tiên lượng sai khả năng điều trị của cơ sở, dẫn đến nguy hiểm tính mạng người bệnh.
Đồng thời, cần thực hiện nhanh chóng, kịp thời khi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân yêu cầu chuyển viện khẩn cấp vì được tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh)
Nghiên cứu bổ sung quyền lựa chọn bác sỹ của người bệnh
Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) băn khoăn về khái niệm "người bệnh" tại khoản 3, Điều 2.
Ông Bình cho biết, thực tiễn cho thấy Luật Khám bệnh, khám bệnh 2009 hiện hành và dự thảo Luật hiện nay đều không điều chỉnh các dịch vụ y tế như chăm sóc sức khỏe sinh sản, phẫu thuật thẩm mỹ, y tế dịch phòng.
Đây là các dịch vụ y tế không phải là khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, làm cơ sở cho việc quy định trách nhiệm và quyền lợi các bên liên quan cũng như bao quát được hết các hoạt động cung ứng dịch vụ y tế.
Đồng thời khái niệm "người bệnh" cần được thay thế bằng khái niệm "người sử dụng dịch vụ y tế" để bao hàm được đầy đủ những người sử dụng dịch vụ.
Về quyền của người bệnh được quy định tại Điều 9 đến Điều 15 của dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quyền lựa chọn bác sỹ của người bệnh. Bệnh nhân có quyền lựa chọn bác sỹ hoặc các nhân viên y tế thích hợp với nhu cầu điều trị bệnh của mình. Bệnh nhân có quyền tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc nhà cung cấp dịch vụ y tế khác khi thấy cần.
Thực tế các dịch vụ phẫu thuật hiện nay đã sử dụng quyền này của người bệnh. Đồng thời, cần bổ sung quyền than phiền, khiếu nại chứ không chỉ quyền kiến nghị của người bệnh như quy định tại Khoản 1, Khoản 2.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, việc giữ bí mật thông tin cho bệnh nhân rất khó thực hiện ở một số tình huống tại bệnh viện. Bởi vì nhiều bác sĩ chọn giải pháp là giải thích cho người nhà. Trong khi đó, người nhà lại là không tôn trọng quyền giữ bí mật thông tin cho bệnh nhân.
Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, các quy định pháp luật cần cụ thể hơn để áp dụng cho nhiều trường hợp giúp bệnh viện có cách ứng xử phù hợp. Bệnh nào thì cho bệnh nhân biết, bệnh nào thì chỉ cho người nhà biết.
Đại biểu Bình cũng cho rằng, cần thiết sửa đổi quy định theo hướng người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh hay người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có quyền được xem hồ sơ bệnh án và phải được cung cấp bản sao hồ sơ nếu có yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận