Chúng ta phải kiên trì nhưng không trì trệ
Chiều nay (5/11), tại phiên chất vấn Thủ tướng, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) phản ánh, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã rất quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, đáng trân trọng, nhiều cử tri cho rằng vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên trải thảm, dưới trải đinh"; vẫn còn tư tưởng làm ít sai ít.
Đại biểu Hà đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm về những vấn đề này cũng như giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh)
Trả lời nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi. Trong 35 năm đổi mới đã làm được nhiều việc, đạt nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế và uy tín như ngày nay".
Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Thủ tướng cho rằng, quy mô nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu. Trong năm nay, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%, chúng ta có 9,7 triệu tỉ; nếu đạt 7,5%, con số là 9,8 triệu tỉ; đạt 8% là 9,9 triệu tỉ. Tổng GDP của chúng ta gấp 100 lần so với đổi mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
"Thành tích này có sự đóng góp của cán bộ công chức, viên chức của chúng ta. Trong quá trình vận hành, trưởng thành, lớn lên cùng đất nước, lớn lên cùng sự phát triển chung, chúng ta phải kiên trì nhưng không trì trệ. Chúng ta phải thực hiện nhiều biện pháp như cải cách thể chế, đơn giản thủ tục hành chính, thu hút người tài", Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, cần phải làm để tạo sự ấm no và hạnh phúc cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, phát huy tối đa trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần yêu nước của mỗi người, trong đó có cán bộ công chức để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
"Tổng kết lại một số Nghị quyết của Đảng với tinh thần chung, những gì chưa được thẳng thắn nêu ra, những gì được cần làm tốt hơn để xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trong sạch, tận tuỵ, phục vụ nhân dân. Bên cạnh xây thì cần chống, động viên tinh thần, khen thưởng kịp thời, xử lý vi phạm nghiêm minh", Thủ tướng nói.
Con người làm chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển
Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho biết, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đại biểu Thuý đề nghị Thủ tướng cho biết những quan điểm chính, trụ cột trong cải cách thể chế.
Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang)
Trả lời đại biểu, Thủ tướng cho biết cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược mà Chính phủ phải làm.
Quan điểm về cải cách thể chế là bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và tôn trọng thực tiễn khách quan, phục vụ lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm.
Các trụ cột cần tập trung là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thứ ba là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Xuyên suốt của ba trụ cột này là lấy con người làm chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển. Quốc hội, Chính phủ theo nghị quyết của Bộ Chính trị đang triển khai rất tích cực.
Hàng tháng, Chính phủ có phiên họp chuyên đề bàn về cải cách thể chế, xây dựng pháp luật; đến nay đã xem xét được 70 luật, trình Quốc hội hơn 10 luật, những nghị quyết khác cũng đang được tích cực xây dựng.
Khi có bộ máy rồi thì con người, cán bộ là quyết định việc vận hành
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) phản ánh về việc chậm ban hành nghị định về cơ cấu, chức năng các bộ ngành. "Nguyên nhân của tình trạng này là gì và Thủ tướng có giải pháp gì?", đại biểu Kim Anh chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh)
Thủ tướng cho biết, Chính phủ phấn đấu trong tháng 11 và đầu tháng 12 hoàn thành các nghị định về cơ cấu, chức năng các bộ ngành, tinh thần là bám sát Nghị quyết Trung ương, tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
"So với thời gian yêu cầu thì chậm, nhưng kết quả dự kiến là sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục, hơn 100 vụ. Đây là kết quả đáng mừng, tuy có chậm nhưng lấy chất lượng, hiệu quả bù lại", Thủ tướng nói và nhấn mạnh "quan trọng nhất là khi có bộ máy rồi thì con người, cán bộ là quyết định việc vận hành".
Dung hòa bộ máy, con người, nguồn lực và cơ sở vật chất
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) nhận định hiện nay chúng ta đang thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và đang thực hiện thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.
Trong khi đó, cấp cơ sở do thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp thì chính quyền cấp cơ sở, nhất là chính quyền cấp xã đang được giao ngày càng nhiều nhiệm vụ và quyền hạn dẫn đến tình trạng quá tải về khối lượng công việc.
Đại biểu Mai Thoa lấy ví dụ một công chức văn hóa xã hội cấp xã hiện này đang phải thực hiện nhiệm vụ ở 17 lĩnh vực, do đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thực thi công vụ. Từ đó, bà đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm và lộ trình để giải quyết một cách hài hòa vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương)
Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ "trong tình hình bình thường thì cấp cơ sở đã nhiều công việc, khi không bình thường thì công việc càng nhiều hơn" với ví dụ cụ thể trong thời gian chống dịch Covid-19.
Theo Thủ tướng, hiện chúng ta thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Trung ương về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng cán bộ nhưng phải sát với tình hình thực tế.
Người đứng đầu Chính phủ nhận định chúng ta có chính sách thiết kế cho cả hệ thống. Chính sách này áp dụng chung thì được còn ở đặc thù thì chưa được.
Do vậy, ông cho rằng cần xem xét đặc thù ở xã, ở nông thôn và thành thị từ đó dung hòa bộ máy, con người, nguồn lực và cơ sở vật chất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận