Sau đề xuất xây dựng tượng đài vinh danh ngành y tế trong đại dịch Covid-19, trao đổi với PV báo Giao thông, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chia sẻ thêm, việc này nên làm nhưng làm sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM
"Tại thời điểm này và sắp tới, chúng ta vẫn cần nhân lực y tế để tiếp tục cuộc chiến đầy lùi dịch bệnh. Do đó càng cần chăm lo, động viên, hỗ trợ tối đa cho lực lượng này vì suốt thời gian qua họ đã hy sinh rất nhiều.
Trước mắt nên có nhiều chính sách cao nhất cho cán bộ, nhân viên ngành y tế, không chỉ trong chống dịch mà ngay cả sau này. Ngoài sự khổ luyện trong học hành, trong nghề nghiệp, nghề y là nghề cao quý", ông đề xuất.
Ngoài ra, ông cho rằng, cần đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực y tế, cụ thể là việc trang bị máy móc, thiết bị thiết yếu, hiện đại và các loại thuốc đặc trị để sẵn sàng cho các kịch bản khác nhau. Đồng thời tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất cho y tế cơ sở, từ khu dân cư đến khu công nghiệp.
Ông Ngân cho rằng ngành y tế cũng cần chuẩn bị các tiêu chí với rõ ràng để phòng chống dịch theo các mức độ khác nhau. Từ đó giúp người dân sống thích nghi với dịch, còn doanh nghiệp có thể định hướng được hoạt động của mình, chủ động trong mọi tình huống.
Trước đó, sáng 23/9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức giám sát về các chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với Sở LĐ-TB-XH, Sở Tài chính và Sở Y tế.
Tại buổi giám sát, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, trong suốt 4 tháng qua từ khi dịch bệnh bùng phát, ngành y tế rất nỗ lực, các y bác sĩ, nhân viên y tế cả nước cùng thành phố hỗ trợ rất lớn.
"Tôi nghĩ sau khi kiểm soát dịch bệnh, Trung ương và TP.HCM nên xây dựng những tượng đài vinh danh ngành y tế. Trong các cuộc chiến, chúng ta vinh danh bộ đội, chiến sĩ giải phóng quân thì trong chống dịch cũng nên vinh danh ngành y tế”, ông Ngân nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận