Ngổn ngang công trường vì... chờ cát
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công gần 3 tháng nhưng, dự án thành phần 1 thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn tỉnh An Giang, chiều dài 57km, tổng mức đầu tư gần 13.530 tỷ đồng vẫn ngổn ngang.
Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp (BQLDA) tỉnh An Giang cho biết, ngay sau lễ khởi công, đơn vị thi công đã bắt tay vào việc nhưng tiến độ vẫn chưa như mong muốn.
Cụ thể, đối với gói thầu xây lắp đầu tiên của dự án (từ Km0+314 đến Km 17+240), nhà thầu cơ bản hoàn thành đắp bờ, bóc đất hữu cơ. Trong khi đó, 3 gói thầu còn lại của dự án đã ký hợp đồng thi công vào đầu tháng 9. Thế nhưng, nhiều công nhân, máy móc trên công trường vẫn đang ngóng chờ nguồn cát để đắp nền đường.
"Lần đầu tiên được giao thực hiện dự án có quy mô đầu tư lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và thời gian triển khai cấp bách, BQLDA quyết tâm thực hiện đúng tiến độ để các Dự án thành phần 2, 3 và 4 (qua thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng) phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là thiếu nguồn cát nên công trình chưa đẩy nhanh được tiến độ", ông Du thông tin thêm.
Trong khi đó, tại Đồng Tháp, trên công trường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu cũng đang trong tình trạng chờ cát đắp nền.
Ông Lê Nguyễn Phú Trường, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (BQLDA) tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, có tổng nhu cầu cát 3,58 triệu m3. Trong đó, năm 2023 cần 0,7 triệu m3 và 2,88 triệu m3 cần trong năm 2024.
"Tỉnh đang tập trung giải quyết bài toán về vật liệu cát nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, trong đó có cao tốc đi qua địa bàn tỉnh", ông Trường cho biết thêm.
Cần thực hiện nhanh cuộc tổng điều tra về cát
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), với 60 mỏ đã cấp phép thì tổng trữ lượng cát của ĐBSCL hiện có là khoảng 80 triệu m3. Trong đó, có 63 triệu m3 cát san lấp và 17 triệu m3 cát xây dựng.
Vừa qua, các tỉnh trong khu vực cũng đã cấp thêm 30 giấy phép thăm dò với trữ lượng 39 triệu m3 cát san lấp và 3 triệu m3 cát xây dựng. Như vậy, ĐBSCL đang có khoảng 120 triệu m3 cát, trong đó 100 triệu m3 cát san lấp.
Từ đây cho thấy, cát không thiếu cho các dự án cao tốc nếu khai thác, điều phối một cách hợp lý. Bởi, nhu cầu của bốn dự án đường cao tốc đang được ưu tiên chỉ cần 53,68 triệu m3, lại được trải đều nhiều năm.
Một chuyên gia trong lĩnh vực khoáng sản cho biết, nguyên nhân dẫn đến thiếu cát thực hiện các công trình, dự án trọng điểm quốc gia là do các tỉnh có trữ lượng cát lớn nhất ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp… bị chậm trễ về thủ tục và những lo ngại về pháp lý.
Băn khoăn nhất là mỏ cát được giao cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù phục vụ cao tốc nhưng nhà thầu không có kinh nghiệm, phương tiện, lại trông chờ địa phương hỗ trợ giới thiệu các đơn vị khai thác có kinh nghiệm.
Như vậy, dù giao mỏ trực tiếp cho nhà thầu cao tốc thì việc khai thác cát vẫn phải qua trung gian. Chưa kể với cách vận hành trên nếu thiếu cơ chế phối hợp, kiểm tra giám sát thì chuyện thất thoát cát ra bên ngoài là khó tránh khỏi.
Bên cạnh đó, các tỉnh càng rụt rè khi thời gian qua, nhiều sai phạm trong công tác quản lý khai thác cát ở An Giang và Đồng Tháp tồn tại từ chục năm trước đã bị Thanh tra Chính phủ đưa ra mà nguyên nhân chính vẫn là hiểu sai quy định khi áp dụng vào công tác quản lý.
"Do vậy, hơn bao giờ hết, ĐBSCL cần có một cuộc tổng điều tra về cát. Trên cơ sở xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá tác động môi trường tổng thể làm cơ sở cấp phép khai thác cát và quản lý hợp lý, bền vững", vị chuyên gia này nói và cho rằng cũng cần xây dựng cơ chế giám sát, áp dụng công nghệ, chẳng hạn gắn camera, thiết bị giám sát hành trình lên các phương tiện khai thác cát để đảm bảo việc khai thác minh bạch, sử dụng đúng vào các công trình trọng điểm quốc gia.
Sự vào cuộc của các địa phương
So với các tỉnh khác thuộc khu vực ĐBSCL, hai tỉnh đầu nguồn là An Giang và Đồng Tháp có trữ lượng cát nhiều hơn. Trong khi đó, tỉnh An Giang có dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thì Đồng Tháp có công trình trọng điểm quốc gia là Cao Lãnh - An Hữu đang triển khai.
Trước thực trạng công trình chờ cát, mới đây, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cùng đoàn công tác khảo sát tình hình khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Thương mại Tân Hồng (trữ lượng cấp phép khai thác khoảng 1,7 triệu m3) và Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Thủ Tuyền (trữ lượng cấp phép khai thác khoảng 1,8 triệu m3) trên sông Hậu.
Ông Bình cho biết, sau khảo sát, khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND tỉnh An Giang tiến hành các phương án, làm các thủ tục cung cấp cát hoặc giao mỏ cát cho các nhà thầu thi công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Tỉnh yêu cầu ngành TN&MT tiếp tục phối hợp các địa phương nhanh chóng tiến hành các thủ tục liên quan để đảm bảo cung cấp nguồn cát đáp ứng nhu cầu, tiến độ thi công các công trình cao tốc trọng điểm", ông Bình nói.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, tính đến ngày 30/6/2023, tỉnh có 14 giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, với tổng khối lượng cát khai thác 6 tháng đầu năm nay hơn 972.500 m3.
"Tổng trữ lượng cát được phê duyệt còn lại của 14 giấy phép đang khai thác hiện nay là 25,18 triệu m3. Từ sau ngày 30/6/2023, trữ lượng cát được phê duyệt này đã giảm còn 21,59 triệu m3. Tổng công suất cho phép khai thác cát của 14 giấy phép là 5,655 triệu m3/năm. Với số lượng hiện có, Đồng Tháp cố gắng cung cấp cát cho công trình cao tốc đúng theo chỉ đạo của Trung ương", ông Nghĩa cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận