Nhiều năm nay, vợ chồng anh Huỳnh Chí Nghĩa, công nhân tại TP Thủ Đức, TP.HCM vẫn phải ở trong căn phòng trọ 15m2 trên đường Nguyễn Duy Trinh.
Với thu nhập cả hai vợ chồng chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng, giấc mơ có một căn nhà thực sự xa vời.
Cư dân dự án nhà ở xã hội Công ty Lê Thành (quận Bình Tân, TP.HCM)
Tương tự, chị Nguyễn Thị Duyên, ở TP Thủ Đức cũng cho biết, với mức thu nhập hiện tại của cả gia đình khoảng trên 20 triệu đồng/tháng, bao năm nay 6 người trong gia đình chị vẫn phải trung thành với phòng trọ.
Nhiều lần, chị bàn với chồng, gom góp được số tiền khoảng hơn 1 tỷ đồng tìm mua chung cư giá thấp, nhưng tìm đỏ mắt vẫn không có chung cư nào giá thành phù hợp.
Trên thực tế, tại khu vực quận 9 cũ, giá nhà ở xã hội tại một số dự án đang trong quá trình xây dựng cũng đã tiệm cận mức 20-25 triệu đồng/m2.
Còn giá chuyển nhượng nhà chung cư trong các dự án nhà ở xã hội đã bàn giao cũng ngang ngửa giá của nhiều dự án nhà ở thương mại.
Đơn cử như chung cư Felix Homes Gò Vấp là dự án nhà ở xã hội do Tổng công ty Xây dựng số 1 đầu tư trên đường Nguyễn Văn Dung, phường 6, quận Gò Vấp, hiện giá chuyển nhượng đang dao động ở mức 32 - 45,4 triệu đồng/m2.
Dự án Zen Tower quận 12 cũng là dự án thuộc phân khúc nhà ở xã hội, được chào giá từ 23,4- 35,6 triệu đồng/m2.
Ước tính, tại TP.HCM hiện đang có 4,7 triệu lao động, gồm 2,4 triệu lao động ở khu vực chính thức và hơn 2,3 triệu lao động tự do ở khu vực phi chính thức. Đến năm 2030, TP.HCM cần phải phát triển được 6,58 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương 93.000 căn hộ.
Tại Bình Dương, do có tới 1,6 triệu người lao động, chiếm hơn nửa dân số toàn tỉnh nên nhu cầu về nhà ở là rất lớn. Tuy nhiên, luỹ kế từ năm 2011 - 2021, Bình Dương mới đưa được 164,6ha đất vào sử dụng để làm nhà ở xã hội và đưa vào sử dụng được khoảng hơn 1,8 triệu m2 sàn, tương đương 42.864 căn, giải quyết chỗ ở cho 138.577 người.
Trên thực tế, Bình Dương vẫn chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp lớn nào đầu tư vào loại hình nhà ở xã hội.
Giá nhà ở tăng cao trong một thời gian dài, cộng với việc mất cân đối nghiêm trọng nguồn cung giữa nhà ở bình dân và nhà ở cao cấp đã khiến người lao động ngày càng xa rời khả năng có thể mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh những vấn đề về vốn, chính sách… thực tế cho thấy vẫn còn thiếu chế tài cụ thể để ràng buộc doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Theo quy định hiện nay, các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất cho việc xây dựng nhà ở xã hội, song các chế tài hiện nay chưa có sự ràng buộc trách nhiệm nào.
Bên cạnh đó cũng có những nguyên nhân như chính sách ưu đãi chưa khiến các doanh nghiệp, tổ chức mặn mà. Bởi việc đầu tư phải qua nhiều thủ tục, lợi nhuận lại không cao.
Vì thế, để giải quyết vấn đề thiếu nhà ở xã hội, cần quy định những điều kiện và nội dung cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư.
Giải pháp cấp thiết nữa là cần sớm gỡ bỏ các nút thắt do khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ, quỹ đất cũng như cải cách mạnh về thủ tục hành chính để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Một vấn đề quan trọng khác là phải khắc phục được tình trạng mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng, biến việc này trở thành hoạt động đầu cơ, trục lợi.
Có như vậy, nhà ở xã hội mới không còn là giấc mơ xa vời với hàng triệu người lao động thu nhập thấp!
Phan Tư
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận