Hàng hải

Đề nghị chấm dứt 2 dự án nạo vét tại cảng biển Quảng Ninh

26/07/2022, 08:57

Cục Hàng hải VN vừa kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án nạo vét vùng nước cảng biển kết hợp thu hồi sản phẩm.

Trong đó, có 2 dự án nổi bật là Dự án XHH nạo vét tuyến luồng hàng hải sông Chanh và khu neo đậu trú bão theo hình thức tận thu sản phẩm bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước, có chủ đầu tư là Công ty CP thép Đồng Phát; Dự án XHH nạo vét, duy tu, nâng cấp tuyến luồng hàng hải Vạn Gia theo hình thức tận thu sản phẩm bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước, có nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Doanh nhân cựu chiến binh 6-12 Vân Đồn.

img

Cục Hàng hải VN đề nghị chấm dứt các dự án nạo vét các tuyến luồng kết hợp thu hồi sản phẩm ở Quảng Ninh. Ảnh minh họa

Dự án nạo vét tuyến luồng sông Chanh không phù hợp

Cục Hàng hải VN cho biết: Dự án nạo vét tuyến luồng hàng hải sông Chanh có quy mô từ Lạch Huyện đến hết khu bến cảng tổng hợp chuyên dùng Yên Hưng, với cao độ -7m.

Trong đề xuất tại hồ sơ điều chỉnh dự án của nhà đầu tư, sẽ nạo vét đoạn từ ngã ba Lạch Huyện đến khu bến tổng hợp chuyên dùng Yên Hưng, cầu cảng nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco Vinaline Km5+800. Tổng chiều dài nạo vét là 5,8km, cho cỡ tàu thiết kế 10.000 DWT.

Theo Quyền Cục trưởng Nguyễn Đình Việt, tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực sông Chanh được quy hoạch cho tàu có trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Đầu tư luồng sông Chanh cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn bằng hình thức phù hợp.

Trường hợp huy động nguồn vốn xã hội hóa, cho phép đầu tư luồng hàng hải phù hợp với quy mô quy hoạch bến cảng biển.

Kết quả rà soát của Cục Hàng hải VN cho thấy, hiện khu vực sông Chanh có một số dự án bến cảng đã được đưa vào khai thác sử dụng, hoặc phê duyệt thủ tục đầu tư như: Bến cảng Nhà máy đóng tàu Nosco Shipyard tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 DWT; Bến cảng tổng hợp của Công ty CP Vận tải và Thương mại Trường Hải có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 40.000 DWT.

“Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư cũng đang đề xuất đầu tư xây dựng, kinh doanh bến cảng biển tại khu vực này để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của tỉnh Quảng Ninh. Điển hình như Dự án xây dựng khu bến tại Yên Hưng, gồm 13 bến cảng (hàng lỏng và hàng tổng hợp) tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000DWT thuộc khu công nghiệp Bắc Tiền Phong”, ông Việt thông tin.

Từ đây, lãnh đạo Cục Hàng hải VN khẳng định dự án nạo vét luồng sông Chanh không phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.

Thiết lập khu neo đậu chuyển tải ở bến Vạn Ninh không cần thiết

img

Quy mô dự án nạo vét tuyến luồng Vạn Gia được Bộ GTVT chấp thuận hiện nay không phù hợp với quy hoạch và thỏa thuận tại văn bản của Cục Hàng hải VN

Dự án nạo vét, duy tu, nâng cấp tuyến luồng hàng hải Vạn Gia, có quy mô nạo vét đạt cao độ tuyến luồng -7m. Đối với điểm neo đậu hoặc khu quay trở, đã yêu cầu Cục xem xét đánh giá chi tiết cụ thể sự cần thiết, báo cáo Bộ GTVT.

Theo hồ sơ điều chỉnh dự án, nhà đầu tư đề xuất việc nạo vét giữ nguyên hướng tuyến, và nạo vét cho tàu 20.000 DWT.

Về dự án này, lãnh đạo Cục Hàng hải VN cho biết trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bến cảng Vạn Ninh, Vạn Gia phục vụ chủ yếu nhu cầu hàng hóa thông qua thành phố Móng Cái, phát triển kinh tế xã hội liên vùng và cả nước; có bến tổng hợp, hàng lỏng/khí, bến cảng khách và các bến cho các phương tiện thủy nội địa; tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.

Hiện nay, bến cảng tổng hợp Vạn Ninh đã được Cục Hàng hải VN thỏa thuận vị trí, thông số kỹ thuật chi tiết (giai đoạn 1) tiếp nhận tàu có trọng tải đến 20.000 tấn. Hiện, Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh đang triển khai xây dựng. Dự kiến, bến cảng được đưa vào khai thác cuối năm 2022.

Cũng theo ông Việt, tuyến luồng hàng hải Vạn Gia đã được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương thiết lập tuyến luồng tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn. Cục Hàng hải VN cũng đã thỏa thuận vị trí, thông số kỹ thuật tuyến luồng với chiều dài khoảng 10,4 km, chiều rộng 120m, cao độ đáy tuyến luồng -9,0m (hệ Hải đồ).

Sau khi rà soát hồ sơ điều chỉnh dự án của nhà đầu tư, lãnh đạo Cục Hàng hải VN đánh giá, việc nạo vét tuyến luồng cho tàu 20.000DWT với cao độ -9m phù hợp với thông số kỹ thuật tuyến luồng được Cục HHVN thỏa thuận, nhưng không phù hợp với quy mô dự án được Bộ GTVT chấp thuận (nạo vét tuyến luồng với cao độ -7m), chiều dài tuyến luồng nạo vét (9,2km).

Ngoài ra, bến cảng Vạn Ninh đã được xây dựng và dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2022 nên việc thiết lập 4 điểm neo đậu chuyển tải là không cần thiết.

img

Phối cảnh bến cảng Vạn Ninh đang được xây dựng. Ảnh: Portcoast

“Trường hợp cần thiết phải thiết lập khu chuyển tải, phải lựa chọn vị trí có đủ độ sâu tự nhiên để tránh việc nạo vét duy tu hàng năm”, Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải VN nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Việt đánh giá, hồ sơ điều chỉnh dự án vượt quá quy mô của dự án đã được Bộ GTVT chấp thuận nên không thuộc đối tượng chuyển tiếp.

Cùng đó, Cục cho rằng, quy mô dự án nạo vét tuyến luồng đạt cao độ -7m đã được Bộ GTVT chấp thuận hiện nay không phù hợp với quy hoạch và thỏa thuận tuyến luồng tại văn bản của Cục Hàng hải VN.

Hiện tại, Cục Hàng hải VN đã xin ý kiến UBND thành phố Hải Phòng với dự án nạo vét tuyến luồng sông Chanh. UBND TP. Hải Phòng đã nhất trí chủ trương tiếp tục thực hiện dự án đoạn trên địa bàn.

Trong khi đó, với các dự án tại Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh hiện nay vẫn chưa có văn bản trả lời. Từ đây, Cục đề nghị Bộ GTVT xem xét, quyết định theo thẩm quyền việc chấm dứt các dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.