Y tế

Dễ rước họa khi tùy tiện áp dụng cách ngăn Covid-19

31/03/2020, 07:02

Người dân không nên “nghe đồn” để rồi “tiền mất, tật mang” vì các giải pháp phòng, chống Covid-19 chưa được khoa học kiểm chứng.

img
Ảnh chụp từ clip dùng lò vi sóng khử trùng khẩu trang y tế

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân không nên “nghe đồn” để rồi “tiền mất, tật mang” vì các giải pháp phòng, chống Covid-19 chưa được khoa học kiểm chứng.

Dùng lò vi sóng diệt khuẩn để tái sử dụng khẩu trang y tế

Gần 1 tuần nay, thông tin về việc dùng lò vi sóng diệt khuẩn khẩu trang y tế để tái sử dụng được truyền tai nhau. Việc hướng dẫn còn được thực hiện tỉ mỉ bằng clip thu hút đông đảo cộng đồng trong thời điểm khan hiếm vật tư y tế như hiện nay.

Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, BS. Trần Văn Phúc, Bệnh viện SaintPaul Hà Nội cho hay: “Khẩu trang muốn tái sử dụng phải đảm bảo 3 yếu tố: Loại bỏ được virus và mầm bệnh; vô hại với người dùng; và quan trọng là giữ được sự toàn vẹn về chức năng phòng bệnh. Mọi người truyền tai nhau nhiều cách để khử khuẩn như đun sôi, cho vào nồi hấp, phun cồn, chiếu xạ bằng tia cực tím, rồi mới đây nhất một số chuyên gia hướng dẫn phun ít nước lên bề mặt khẩu trang rồi cho vào lò vi sóng quay 1 phút... Khẩu trang không thể được tái sử dụng theo những cách này”.

Theo phân tích của BS. Phúc, thoạt nhìn, những phương pháp này hoàn toàn phù hợp với điểm yếu của virus Corona rất nhạy cảm với nhiệt độ, tia cực tím, cồn và nó sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn bởi những tác nhân ấy. Tuy nhiên, với khẩu trang y tế, để đạt được tiêu chuẩn “chống virus”, nhà sản xuất phải thiết kế “lớp lọc” để chặn các hạt siêu mịn (aerosol), vì thế mà lớp lọc này phải được chế tạo bằng các sợi siêu mịn từ vật liệu polypropylen. Những sợi này không chịu được nhiệt độ cao.

Ở điều kiện hơn 80 độ C, các sợi polypropylen sẽ co lại và biến dạng, tạo ra những lỗ hổng làm giảm hoặc mất khả năng ngăn chặn các hạt siêu mịn. Như vậy, khẩu trang y tế không còn giữ được đúng chức năng mà chỉ có tác dụng như loại khẩu trang vải mà thôi.

Tương tự với việc dùng cồn 70% để khử trùng, lớp “chống thấm nước” bị phá hủy, chức năng ngăn chặn của khẩu trang cũng sẽ không còn nữa.

Theo BS. Phúc, trong điều kiện quá khan hiếm khẩu trang như hiện nay, việc sử dụng khẩu trang y tế nên dùng ở người ốm, trong bệnh viện hay những nơi có nguy cơ cao như nơi công cộng, trên tàu xe.

Với người khỏe mạnh vẫn có thể dùng lại khẩu trang y tế của chính mình một vài lần, nhưng tổng thời gian đeo khẩu trang ấy không nên quá 6 giờ, khoảng cách giữa hai lần sử dụng nên cách nhau ít nhất 3 ngày để đảm bảo virus đã bị tiêu diệt do không tồn tại được ngoài môi trường. Tốt nhất, nếu không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang y tế thì thay vì tái sử dụng, hãy sử dụng khẩu trang vải.

Đèn UV cực tím khử khuẩn có thể gây hỏng da, hỏng mắt

Dư luận hẳn vẫn còn “rùng mình” về thông tin hai ca bệnh mới đây phải nhập viện cấp cứu thở máy khi nghe tin đồn trên mạng uống thuốc chữa sốt rét để phòng dịch Covid-19.

Chưa hết, mới đây lại rộ lên thông tin có người dân có ý định dùng đèn UV tia cực tím với mong muốn khử khuẩn phòng ở giữa mùa dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo BS. Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, chỉ nhà ở trong vùng dịch như Vũ Hán (Trung Quốc) mới dùng đến loại đèn đó. Hoặc có thể dùng trong cơ quan nơi quá nhiều người lui tới không kiểm soát được, mỗi cuối ngày cần bật lên có tác dụng diệt khuẩn.

“Còn ở Việt Nam hiện nay, dịch vẫn đang được kiểm soát, việc lắp đặt loại đèn này hoàn toàn không cần thiết. Hơn nữa cần lưu ý việc bật đèn khi trong phòng vẫn có người ra vào sẽ gây hại lên da và mắt”, BS Khanh cho biết.

Cũng theo một chuyên gia y tế, đèn UV cực tím có thể dùng sát khuẩn, tuy nhiên chứa nhiều nguy cơ gây ung thư da, hỏng mắt nếu không rõ cách sử dụng. Thông thường, loại đèn này được dùng diệt vi khuẩn trong phòng mổ, cơ sở y tế, còn nhà dân không nên dùng để tránh hệ lụy không đáng có.

Trước đó, cũng không ít ồn ào với việc truyền tai nhau cách phòng Covid-19 bằng việc súc miệng với dung dịch sát khuẩn chứa chlorhexidine với tần suất liên tục 3 giờ/lần.

Đây là loại dung dịch có tính kháng khuẩn phổ rộng và dùng theo đơn kê của bác sĩ. Cũng như mọi loại thuốc, dung dịch súc miệng này có tác dụng phụ, chống chỉ định. Chẳng hạn, chlorhexidine có thể gây đổi màu men răng và chất trám, gây loét, khô miệng hay thay đổi vị giác… Thậm chí có thể gây phản ứng dị ứng nặng và sốc phản vệ trong một số ít trường hợp.

Ngoài ra, một số bác sĩ lo ngại rằng, nếu dùng không đúng cách, việc súc họng “càng sâu càng tốt” có thể gây sặc ở người già, dẫn tới viêm phổi do hóa chất gây nguy hiểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.