Giáo dục

Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 ở TP.HCM năm 2023 thế nào?

Ngày 6 và 7/6/2023 các thí sinh TP.HCM sẽ tham gia kỳ thi vào lớp 10 năm 2023. Hiện câu hỏi đề thi Ngữ văn thế nào là băn khoăn của nhiều sĩ tử.

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, cấu trúc đề Văn thi vào lớp 10 năm 2023 gồm ba phần: Đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm). Thời gian làm bài trong 120 phút. Tuy nhiên, Sở định hướng ra đề có độ mở cao, học sinh cần rèn luyện kỹ năng và tích lũy kiến thức để thực hiện tốt nhất các yêu cầu của đề.

img

Học sinh TP.HCM dự thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023 dự kiến trong 2 ngày 6 và 7/6 (Ảnh: Lao động)

Phần Đọc hiểu

Các câu hỏi phần Đọc hiểu theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Phần này có một câu hỏi về tiếng Việt. Học sinh khi ôn tập cần đọc nhiều loại văn bản, tác phẩm như báo chí, các bài bình luận, các sách khoa học có nội dung phù hợp với lứa tuổi, gắn với tình hình thời sự để luyện tập kỹ năng đọc hiểu.

Ngoài ra, học sinh nên chú ý phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; tìm các vấn đề tiếng Việt có trong văn bản; tập tóm tắt văn bản; liên hệ thực tế để đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề đặt ra; sáng tạo cách thể hiện khác, đề xuất giải pháp, đặt nhan đề mới. Khi trả lời các câu hỏi đọc hiểu, học sinh cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung, trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề, tránh lan man, dài dòng.

Trả lời Báo Thanh niên, ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn của Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, các văn bản được chọn làm ngữ liệu cho phần đọc hiểu có thể sẽ là văn bản nghị luận, thông tin, văn học, khoa học... Các câu hỏi ở phần này sẽ được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Trong các câu hỏi đọc hiểu có 1 câu hỏi về tiếng Việt.

Trao đổi trên VnExpress, ông Võ Kim Bảo, giáo viên trường THCS Nguyễn Du cho rằng, đối với phần đọc hiểu, việc đầu tiên cần làm là đọc các câu hỏi để nắm được yêu cầu, rồi mới đọc ngữ liệu. Khi đọc, học sinh dùng bút gạch chân, ghi chú các chi tiết dùng để trả lời. Câu trả lời cần được viết thành một câu hoàn chỉnh, đủ chủ ngữ - vị ngữ, tránh viết tắt, viết từ khóa hay câu cụt. Ngoài ra, các em cần hạn chế việc đảo thứ tự câu, gây khó khăn và nhầm lẫn cho giám khảo, dẫn tới mất điểm. Ngoài ra, học sinh luyện giải nhiều đề thực tế, cố gắng làm cẩn thận để có điểm tối đa vì phần này dễ lấy điểm hơn các phần khác.

Phần Nghị luận xã hội

Phần Nghị luận xã hội yêu cầu học sinh viết một bài văn khoảng 500 chữ. Sở GD&ĐT TP.HCM lưu ý, đây là bài văn ngắn nhưng vẫn cần đảm bảo cấu trúc bài nghị luận có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Học sinh cần tập phân tích, xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

Các thao tác lập luận cần rèn luyện là giải thích, chứng minh, bình luận. Dẫn chứng trong bài phải sát vấn đề, phân tích rõ ràng, rút được bài học cho bản thân.

Phần Nghị luận văn học

Phần Nghị luận văn học có hai đề để học sinh lựa chọn. Thông thường, đề thứ nhất yêu cầu học sinh tự chọn một tác phẩm thuộc chủ đề đã cho, cảm nhận tác phẩm và chỉ ra ảnh hưởng, tác động với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề liên quan. Đề thứ hai đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc để giải quyết.

Để làm tốt phần này, học sinh cần rèn kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo thể loại; nắm vững kỹ năng viết bài văn nghị luận văn học; đọc thêm các tác phẩm ngoài sách giáo khoa có cùng chủ đề; dùng kiến thức và trải nghiệm để giải quyết một tình huống cụ thể. Thí sinh không nên diễn xuôi lại tác phẩm, đưa ra quan điểm một cách sáo mòn hoặc viết lại các nội dung đã học một cách máy móc.

Đối với phần này, các giáo viên ngữ văn thường lưu ý học sinh cần nêu ra cả trải nghiệm văn học và trải nghiệm cuộc sống. Học sinh cần sử dụng các tác phẩm văn học trong phạm vi đề làm dẫn chứng để tăng tính thuyết phục cho quan điểm của mình.

Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đưa ra một số lưu ý mà học sinh cần tránh khi làm bài thi môn Ngữ văn như phân bố thời gian không hợp lý; đọc đề không kỹ dẫn đến trả lời không đúng trọng tâm, hoặc trả lời dài dòng, thừa ý; trình bày, viết chữ cẩu thả, khó đọc; bài làm không hoàn chỉnh, thiếu kết bài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.