Xã hội

Đề thi Văn chạm vào "vỉa ẩn ức" của thí sinh

02/07/2015, 15:15

Đề thi hay nhưng vẫn hơi dài là đánh giá chung của phần đông thí sinh về môn Ngữ văn sáng nay.

DSC07971
Thí sinh đánh giá cao đề thi Ngữ Văn ở tính mở, phát huy chính kiến và sự sáng tạo của thí sinh

Sáng nay (2/7), các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015 đã hoàn thành môn thi thứ ba - môn Ngữ văn. Nhiều thí sinh đánh giá cao đề thi năm nay. Đặc biệt là câu hỏi về đề tài biển đảo đã khơi dậy tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước của các sĩ tử. Đề thi có thời gian thi 180 phút, kết cấu gồm hai phần: đọc hiểu và làm văn. Trong đó, văn bản đầu tiên của phần đọc hiểu trích dẫn một đoạn thơ trong bài thơ "Hát về một hòn đảo" của nhà thơ Trần Đăng Khoa khiến nhiều thí sinh thích thú.

Thí sinh Nguyễn Anh Thư (thi tại cụm thi ĐH Sư phạm Hà Nội) đánh giá: "Đề ra yêu cầu thí sinh chỉ ra đoạn thơ gợi cho thí sinh tình cảm đối với người lính đảo. Đọc xong, em thấy rất hào hứng bởi lâu nay chủ đề biển đảo và người lính biển là chủ đề được chúng em rất quan tâm và các thầy cô nhắc đến rất nhiều. Đặc biệt từ sau sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta, em luôn theo dõi rất sát mọi thông tin trên báo chí nên nhớ được khá nhiều thông tin, chi tiết. Gắn vào với lời thơ của tác giả là có thể diễn đạt dễ dàng mọi cảm nghĩ của mình", thí sinh Thư nói.

123
Đề thi môn Ngữ Văn kì thi THPT Quốc gia 2015

Cùng chung suy nghĩ với Thư, thí sinh Trần Văn Hà (cụm thi Đại học Thủy Lợi) dùng từ rất "đắt" để diễn tả cảm xúc của mình: "Đề thi về biển đảo đã chạm vào "vỉa ẩn ức" của những người trẻ tuổi như chúng em. Chủ đề vừa thiết thực, vừa xúc động nên em viết được khá dài. Em hài lòng nhất với phần thi này".

Ngoài câu hỏi về chủ đề biển đảo, đề thi Ngữ Văn năm nay còn đưa ra nhiều chủ đề "nóng" và thiết thực của xã hội mà giới trẻ quan tâm như văn bản thứ hai trong phần đọc hiểu hỏi về cảm nhận của thí sinh về Hội chứng vô cảm hay nói cách khác là căn bệnh trơ cảm xúc trước niềm vui, nỗi đau của người khác, hay câu 3 trong phần làm văn hỏi về việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc rèn luyện kiến thức...

DSC05
Câu hỏi về chủ đề biển đảo đã khơi gợi lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của thí sinh

Tuy nhiên, nhiều thí sinh cho rằng, đề thi Ngữ văn năm nay vẫn còn hơi dài so với lượng kiến thức mà thí sinh có thể trình bày trong thời lượng 180 phút. Thí sinh Hoàng Thùy Dương (cụm thi ĐH Công nghiệp Hà Nội) phân tích: "Đề thi năm nay khá mở, tạo điều kiện cho thí sinh sáng tạo và nói lên quan điểm riêng của mình nhưng những chủ đề mà đề thi đưa ra đều là những chủ đề nóng, rộng nên dễ khiến thí sinh mải mê trình bày quên mất thời gian. Như chủ đề về biển đảo, em mải viết quá, đến khi viết xong đã hết gần 1/3 thời gian làm bài. Cũng may sau đó em chú ý hơn đến việc phân bổ thời gian cho những câu còn lại nên vẫn làm xong trước lúc hết giờ".

Thí sinh Đinh Thị Thơm (cụm thi Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, phần cảm nhận về người đàn bà làng chài trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu, dù mới xem qua phạm vi cảm nhận có vẻ hẹp khi gói gọn trong một làng chài nhưng khiến thí sinh này mải mê làm và tốn khá nhiều thời gian. "Quê em cũng có làng chài như thế. Đọc đế chủ đề này, em như bắt được vàng bởi kiến thức về người làng chài của em khá nhiều. Em viết dài quá và tiêu tốn không ít thời gian cho đề tài này. Để khi làm những phần còn lại thì thời gian không còn đủ nữa", thí sinh Thơm cho hay.

DSC07976
Nhiều thí sinh tự tin đạt điểm cao trong môn Ngữ Văn

Kết thúc thời gian làm bài, những thí sinh học chuyên khối C (khối các môn xã hội) tỏ ra hài lòng với bài thi của mình. Ngược lại, một số thí sinh theo học các khối tự nhiên (B, D, A) vẫn tỏ ra tiếc nuối vì không phân phối thời gian hợp lý, bài thi của nhiều thí sinh vẫn chưa viết hết ý.

"Dân khối C quen với những đề bài dài như thế này nên các bạn biết phân phối thời gian phù hợp. Còn em lâu nay vẫn quen viết theo cảm xúc khiến lượng kiến thức của các câu trình bày chưa được đều nhau", Lê Thanh Hương (cụm thi Đại học Bách Khoa Hà Nội) tiếc rẻ.

Theo ghi nhận của PV báo Giao thông tại một số cụm thi ở Hà Nội, phần đông thí sinh khá tự tin với khả năng giành được điểm số trung bình (5-6 điểm). Các thí sinh đều có chung đánh giá đề thi môn Ngữ Văn năm nay theo hướng mở, phát huy tính sáng tạo và chính kiến riêng của thí sinh. Đặc biệt đề thi không có tính đánh đố hay đánh lừa thí sinh. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.