Cụ thể, ở phần I là đọc hiểu văn bản trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Điểm số dành cho phần I sẽ chiếm 60-70% trong tổng điểm của bài thi. Trong phần này, đề bài sẽ gồm một đoạn văn bản và yêu cầu học sinh đọc để trả lời cho các ý của câu hỏi bên dưới. Nội dung của bài đọc thường đa dạng về chủ đề kèm theo đó là các câu hỏi liên quan về Tiếng Việt và Tập làm văn.
Các câu hỏi về Tiếng Việt thường rất đơn giản và dễ dàng nhận ra trong bài đọc. Câu hỏi liên quan đến Tập làm văn thường là câu hỏi cuối. Để làm được phần này, học sinh cần có kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, đồng thời có thể vận dụng trải nghiệm cá nhân để giải thích hay chứng minh cho quan điểm của mình.
Ở Phần II sẽ bao gồm đọc hiểu văn bản ngoài chương trình Ngữ văn lớp 9 và viết một đoạn văn nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống hoặc về một vấn đề tư tưởng, đạo lý. Điểm số dành cho phần này chiếm 30-40% tổng điểm của bài thi.
Đây là phần yêu cầu học sinh có kĩ năng đọc hiểu tốt vì với văn bản học sinh chưa tiếp cận bao giờ. Ngoài các câu hỏi đọc hiểu về phương thức biểu đạt của văn bản, chủ đề, các phép liên kết câu… là yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội. Vì thế học sinh cần trả lời câu ngắn gọn, không vòng vo, gạch đầu dòng cho từng câu trả lời. Bên cạnh đó, học sinh cần nắm chắc công thức làm bài nghị luận về 1 hiện tượng đời sống hoặc tư tưởng đạo lý, chuẩn bị một số dẫn chứng có thể sử dụng được cho nhiều vấn đề. Đặc biệt cần luôn ghi nhớ có phần liên hệ bản thân để tạo nét độc đáo cho bài viết.
Theo cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, để thực hiện tốt bài thi Ngữ văn các thí sinh cần lưu ý không học vẹt văn mẫu hoặc học tủ một vài bài văn để chuẩn bị cho kỳ thi. Thay vào đó, các bạn học sinh nên dành thời gian đọc, tóm tắt và sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức tốt hơn. Chỉ khi ôn luyện kỹ, nắm chắc những đặc trưng về mỗi tác phẩm thì các bạn mới có thể phân tích bài sâu và đủ ý, cải thiện được điểm Văn của mình.
Ngoài ra, các bạn học sinh cũng nên tìm hiểu và đọc nhiều hơn các dạng đề từ các năm gần nhất để cập nhật xu hướng ra đề, xu hướng chấm thi, tránh ôn nhiều mà hiệu quả lại không được như kỳ vọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận