Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện Việt Nam có tỷ lệ sử dụng năng lượng cao, chưa hiệu quả so với một số nước khác. Cụ thể, để có 1.000 USD, Việt Nam đang tiêu thụ năng lượng gấp 2-3 lần các quốc gia khác.
"Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện", ông Lâm nói.
Nhìn vào con số trên, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam cho rằng, còn dư địa rất lớn để tiết kiệm điện. Do đó, theo ông Thiên "chúng ta cần coi điện là tài nguyên quý giá, để làm sao ý thức tiết kiệm điện như nét văn hóa tự trọng của mỗi người".
Về kinh nghiệm quốc tế, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, đối với các quốc gia phát triển, việc đào tạo, giáo dục tiết kiệm điện được thực hiện hiệu quả từ các em nhỏ, trong hệ thống giáo dục, trên các phương tiện giao thông, các nơi công cộng…
"Câu chuyện tiết kiệm điện được Chính phủ, Bộ Công thương nhìn nhận phải trải qua xây dựng bằng quá trình lâu dài chứ không phải mang tính chất ngắn hạn, để hình thành thói quen tiết kiệm từ hộ gia đình cho đến doanh nghiệp", ông Sơn nói và dẫn chứng câu chuyện ý thức uống bia rượu đã được nâng cao sau khi có Nghị định 100.
Lãnh đạo EVN nhìn nhận, nếu làm tốt việc tuyên truyền về tiết kiệm cho học sinh thì sự lan tỏa sẽ nhiều hơn, sâu rộng hơn, dần dần sẽ xây dựng được một lớp công dân không những có ý thức tiết kiệm điện mà còn ý thức với môi trường, xã hội, sống có trách nhiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết: Vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhất là tiết kiệm điện, đã được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công thương quan tâm chỉ đạo và triển khai thường xuyên trong giai đoạn vừa qua.
Cụ thể, trong năm 2023 Bộ Công thương đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20 (ngày 8/6/2023) về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Ngoài ra, Bộ Công thương với vai trò là cơ quan đầu mối của Chính phủ thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các địa phương trên cả nước thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ các giải pháp thúc đẩy sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Năm 2024, nhận định là năm sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tình hình El Nino còn diễn ra phức tạp cũng như nhu cầu về sử dụng điện được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do đà phục hồi kinh tế và phục hồi sản xuất, nhất là các ngành hàng chế biến xuất khẩu. Từ cuối năm 2023, lãnh đạo Bộ Công thương đã ban hành những văn bản chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản cũng như UBND 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện nghiêm và mạnh mẽ các giải pháp về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng.
Song song với đó, lãnh đạo Bộ Công thương cũng đã phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên ngành về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong năm 2024 để bảo đảm việc hướng dẫn, giám sát cũng như xử lý các vấn đề tồn đọng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, kịp thời tổ chức thực hiện cũng như hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trọng điểm, cơ sở sử dụng năng lượng, sử dụng điện trọng điểm, thực hiện có hiệu quả các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.
"Để đảm bảo cung ứng điện, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm và mạnh mẽ các giải pháp về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, cần tiết kiệm điện thành thói quen", ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận