Chuyện dọc đường

Để Việt Nam thực sự là quốc gia mạnh về biển

30/11/2017, 08:14

Với bờ biển dài hơn 3.200km, VN có hàng trăm bến cảng lớn nhỏ, trong đó có rất nhiều cảng nước sâu.

2

Do luồng hàng hải không đạt chuẩn tắc, các tàu lớn phải đỗ ngoài xa, chuyển tải vào cảng (Trong ảnh: Tàu chuyển tải hoạt động tại luồng hàng hải Hải Phòng) - Ảnh: Việt Hòa

Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) cũng thông qua Nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển.

Cuối năm 2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hàng hải sửa đổi với rất nhiều quy định đột phá. Trong đó, đáng kể nhất là Bộ luật lần này cho phép áp dụng một số điểm của mô hình chính quyền cảng thông qua việc cho phép thành lập Ban quản lý và khai thác cảng tại một số khu vực cảng biển; cho phép tư nhân được tham gia kinh doanh, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển. Những quy định này thực sự là tiền đề để lĩnh vực cảng biển nói riêng và hàng hải nói chung phát triển xứng tầm. 

Tuy nhiên, gần 2 năm qua, hầu hết các cảng biển Việt Nam chưa thực sự phát triển như kỳ vọng. Thậm chí, không ít cảng rơi vào cảnh khó khăn do luồng lạch bị khan cạn mà không thể nạo vét do thủ tục cấp phép địa điểm đổ bùn thải khi duy tu, nạo vét luồng bị Bộ Tài nguyên và Môi trường ách lại khi vận dụng cứng nhắc Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Luật Biển Việt Nam.

Không ít ý kiến cho rằng, việc thực hiện các quy định của luật là cần thiết để giúp đảm bảo môi trường biển. Tuy nhiên, dù theo quy định nào cũng phải phù hợp với thực tiễn và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không gây cản trở doanh nghiệp. Thực tế, các quy định cũng liên quan đến việc đổ thải không những khắt khe mà còn quá cứng nhắc.

Nhiều người còn lo ngại, sở dĩ Bộ TN&MT quá khắt khe với hoạt động đổ thải ra biển trong quá trình nạo vét luồng hàng hải có phần vì e ngại sự việc đổ 1 triệu m3 chất thải nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) ra biển làm dậy sóng dư luận thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo một chuyên gia lĩnh vực hàng hải, đây là cách hiểu rất sai lầm khi đánh đồng phế thải nhiệt điện Vĩnh Tân với bùn thải nạo vét luồng hàng hải.

Phân tích sâu hơn, chuyên gia này cho rằng, tại Vĩnh Tân là phế thải đất liền đổ ra biển, còn đối với nạo vét luồng hàng hải lại khác hoàn toàn. Hàng ngày, các dòng sông vẫn đem phù sa từ thượng nguồn về hạ lưu rồi ra biển. Một số phù sa không kịp ra tới biển mới lắng đọng trong quá trình chảy hoặc tại vùng sông, cửa biển.

Để đảm bảo độ sâu chuẩn tắc của luồng hàng hải, dứt khoát phải tiến hành nạo vét. Thực tế, việc nạo vét chỉ làm một việc duy nhất là thay vì để bùn non, phù sa tự chảy ra biển, con người dùng máy móc hút lên, chở ra vùng biển quy định để đổ, đảm bảo độ sâu chuẩn tắc luồng.

Nếu vì dậy sóng dư luận và bất cập ở một sự vụ cụ thể rồi đánh đồng sang cả việc nạo vét luồng hàng hải sẽ để lại nhiều hệ quả đáng tiếc. Hậu quả nhãn tiền là rất nhiều dự án nạo vét luồng của các cảng biển lớn đang bị ngưng trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các cảng, doanh nghiệp và hãng tàu biển nói riêng, các địa phương nói chung. Điều này nếu kéo dài còn khiến chiến lược phát triển kinh tế biển, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển gập ghềnh hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.