8 hành vi bị nghiêm cấm
Tại dự thảo Thông tư, Bộ GTVT nêu rõ 8 hành vi không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới.
Các hành vi này gồm: Kiểm định không đủ nội dung, không đúng quy trình, quy định, kiểm định ngoài dây chuyền, ngoài đơn vị sai quy định; làm sai lệch kết quả kiểm định.
Kiểm định khi thiết bị kiểm tra bị hư hỏng; kiểm định khi thiết bị kiểm tra chưa được kiểm tra, đánh giá, hiệu chuẩn;
Kiểm định khi không đảm bảo việc nối mạng để truyền dữ liệu, kết quả kiểm định; kiểm định khi hệ thống camera giám sát và lưu trữ hình ảnh dạng video không đảm bảo quy định;
Bố trí người thực hiện công việc kiểm định trên dây chuyền kiểm định không đủ, không đúng với quy định;
Yêu cầu chủ xe đưa xe đi sửa chữa, bảo dưỡng tại các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng chỉ định;
Thu tiền kiểm định, phí và lệ phí sai quy định; có hành vi tiêu cực, sách nhiễu;
Kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới hết niên hạn sử dụng;
Lập Hồ sơ phương tiện, kiểm định, sử dụng ấn chỉ kiểm định, in Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định và báo cáo kết quả kiểm định không đúng quy định.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, thực tế đã xảy ra tình trạng này tại một số cơ sở đăng kiểm. Cơ quan chức năng đã điều tra, phát hiện, khởi tố và đưa ra xét xử trong vụ đại án đăng kiểm tại TP. HCM.
Cục Đăng kiểm VN cũng nhiều lần có văn bản gửi các đơn vị đăng kiểm trên cả nước quán triệt không vi phạm các hành vi liên quan đến hoạt động kiểm định đăng kiểm như: can thiệp làm sai lệch kết quả kiểm định, bố trí người sai vị trí trên dây chuyền kiểm định, có những quy định không đúng gây phiền hà, sách nhiễu cho chủ xe, doanh nghiệp. Đặc biệt, nghiêm cấm hành vi tiêu cực, trục lợi trong đăng kiểm xe cơ giới.
Theo Cục Đăng kiểm VN, việc bổ sung một điều riêng quy định những hành vi không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới tại dự thảo Thông tư này là cần thiết, nhằm nhấn mạnh, nâng cao trách nhiệm của cơ sở đăng kiểm, đăng kiểm viên trong việc thực hiện quy trình kiểm định xe cơ giới.
Quy định cũng nhằm cụ thể hóa Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đảm bảo thực hiện đúng quy định về hoạt động kiểm định xe cơ giới, đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Ô tô nào được miễn đăng kiểm lần đầu
Dự thảo Thông tư cũng quy định việc lập hồ sơ phương tiện, thực hiện kiểm định (kể cả khi bổ sung, sửa đổi hồ sơ phương tiện) đối với xe cơ giới được thực hiện tại bất kỳ cơ sở đăng kiểm nào trong phạm vi cả nước.
Xe cơ giới phải được kiểm định trên dây chuyền kiểm định.
3 trường hợp được miễn trừ quy định này gồm: Xe cơ giới chưa qua sử dụng thuộc trường hợp được miễn kiểm định lần đầu; Xe cơ giới quá khổ, quá tải không vào được dây chuyền kiểm định;
Xe cơ giới không thể di chuyển đến cơ sở đăng kiểm để kiểm định được phép thực hiện kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm.
Đơn cử như trường hợp trên Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe sản xuất, lắp ráp hoặc Giấy chứng nhận (Thông báo miễn kiểm tra) chất lượng ATKT & BVMT xe cơ giới nhập khẩu) có ghi thông tin "xe cơ giới không tham gia giao thông đường bộ";
Xe cơ giới hoạt động tại các vùng đảo không có cơ sở đăng kiểm; Xe cơ giới đang hoạt động tại các khu vực bảo đảm về an toàn, an ninh, quốc phòng; Xe cơ giới hoạt động trong khu vực hạn chế như cảng, mỏ, công trường; xe cơ giới đang thực hiện các nhiệm vụ cấp bách (phòng chống thiên tai, dịch bệnh).
Dự thảo Thông tư còn quy định trường hợp xe được miễn kiểm định lần đầu. Đó là xe cơ giới chưa qua sử dụng đã được cấp "Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng" đối với xe sản xuất, lắp ráp hoặc "Giấy chứng nhận chất lượng ATKT & BVMT xe cơ giới nhập khẩu" hoặc "Thông báo miễn kiểm tra chất lượng ATKT & BVMT xe cơ giới nhập khẩu" và có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm), có đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định để lập hồ sơ phương tiện tại cơ sở đăng kiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận