Thiếu cảng nước sâu, kinh tế vùng kém phát triển
Hiệp hội các Nhà đầu tư Tài chính VN (VAFI) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan về việc ưu tiên phát triển hệ thống cảng biển nước sâu tại các tỉnh miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Văn bản do Phó Chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải ký cho biết, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách dành cho phát triển KT-XH tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, ĐBSCL. Tuy nhiên, các địa phương này vẫn nghèo hơn các tỉnh, thành phố gần các khu cảng biển lớn.
“Với nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, lựa chọn nhà máy sản xuất gần các cảng biển lớn luôn là ưu tiên số 1 vì chi phí logistics thấp. Nếu chọn miền trung và ĐBSCL, chi phí logistics rất cao, thời gian vận chuyển hàng hóa, vật tư kéo dài làm cho giá vốn hàng tồn kho tăng cao”, VAFI cho hay.
Minh chứng từ bài học từ việc đầu tư xây dựng cảng Lạch Huyện, VAFI cho biết, nếu không có cảng nước sâu Lạch Huyện, hiện tại, khu cảng Hải Phòng đã quá tải, cước phí bốc xếp tăng cao và hàng ngàn dự án đầu tư mới triển khai ở khu vực phía Bắc trong các năm qua sẽ không xuất hiện.
Cảng nước sâu Lạch Huyện ra đời mở ra những tuyến tàu xuyên đại dương, thu hút tàu trên 100.000 DWT, giúp cộng đồng DN phía Bắc có chi phí logistics thấp hơn so với trước, thời gian vận chuyển hàng hóa nhanh hơn, nhất là các thuyền xuyên Thái Bình Dương .
“Thực tế đó cho thấy, chủ trương xây dựng cảng Lạch Huyện là hết rất đúng đắn, Nhà nước chỉ bỏ ra 1 tỷ USD nhưng thu được lợi ích rất lớn. Bài học xây cảng nước sâu Lạch Huyện cần được nhân rộng cho việc xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu các tỉnh miền Trung và ĐBSCL”, VAFI khẳng định.
Cũng theo VAFI, ở miền Trung, hiện cảng Quy Nhơn và Đà Nẵng tàu 50.000 DWT có thể vào được, nhưng hàng container còn ít và chưa thực sự mở được các tuyến tàu kết nối trực tiếp với quốc tế.
Đề xuất bán cổ phần Nhà nước tại nhiều tập đoàn lớn để xây thêm cảng nước sâu
Hiệp hội các Nhà đầu tư Tài chính VN cho rằng, hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai nghiên cứu dự án cảng nước sâu Trần Đề. Nếu Trần Đề đủ điều kiện để xây dựng một cảng nước sâu cho tàu trên 100.000 DWT thì VAFI hoàn toàn ủng hộ, dù nhà nước có phải bỏ ra vài tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, theo VAFI, để xây dựng cảng nước sâu này, các cấp có thẩm quyền cần sáng suốt lựa chọn nhà đầu tư khai thác cảng, nên chọn các hãng tàu đa quốc gia lớn đang khai thác mạng lưới tuyến tàu container quốc tế.
“Với khối lượng hàng XNK lớn như hiện nay, cảng Trần Đề được xây dựng sẽ dễ dàng hình thành ngay các tuyến tàu container quốc tế. Khi đó, vốn đầu tư sẽ đổ mạnh vào khu vực ĐBSCL, chúng ta không cần phải kêu gọi đầu tư nhiều mà hàng ngàn nhà đầu tư sẽ đổ xô đến”, VAFI nhận định.
Cùng đó, VAFI kiến nghị, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng hệ thống cảng container miền Trung, gồm: Quy Nhơn, Dung Quất, Liên Chiểu, Quảng Trị, Nghi Sơn liên kết với nhau để mở được các tuyến tàu container chạy trong nước và quốc tế.
Đề xuất giải pháp đưa cảng Quy Nhơn, Đà Nẵng nâng cao hiệu quả khai thác, VAFI cũng kiến nghị Chính phủ bán đấu giá 51% cổ phần nhà nước tại Công ty CP cảng Quy Nhơn và Đà Nẵng cho các hãng tàu nước ngoài có kinh nghiệm khai thác tại Việt Nam với điều kiện họ phải thường xuyên tổ chức được các tuyến tàu container quốc tế.
VAFI cũng cho rằng, hiện nay nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho hệ thống cảng biển nước sâu không nhiều. Do đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu bán vốn Nhà nước tại một số công ty, tập đoàn lớn như: Vinamilk, Sabeco, FPT, Mobifone… để có đủ tiền xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu tại miền Trung và ĐBSCL và nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam.
“Khi các cảng miền Trung nói trên thực sự trở thành cảng nước sâu và có các tuyến tàu container quốc tế được đưa vào khai thác thường xuyên, VAFI tin rằng kinh tế miền Trung sẽ cất cánh và cơ cấu kinh tế các tỉnh sẽ nhanh chóng chuyển dịch để trở thành các tỉnh công nghiệp”, VAFI tái khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận