Đề nghị nhà ở nhiều căn hộ chỉ được cho thuê
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều nay (26/10), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn việc phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân, nhất là các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, phòng cháy, chữa cháy (PCCC); không cấp giấy chứng nhận cho từng căn hộ và căn hộ loại này chỉ được cho thuê, công tác quản lý vận hành do chủ nhà ở chịu trách nhiệm.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển, quản lý, sử dụng loại hình nhà ở này thời gian qua, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến của Chính phủ tại báo cáo số 529/BC-CP ngày 10/10/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý lại điều 57 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chặt chẽ hơn,
Theo đó, đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân, nếu có từ hai tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ để cho thuê thì phải đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn xây dựng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; phải được thiết kế, thẩm duyệt PCCC và thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn PCCC theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cá nhân xây dựng nhà ở từ hai tầng trở lên để bán, cho thuê mua căn hộ, từ hai tầng và quy mô từ 20 căn hộ trở lên để cho thuê đều phải lập dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Cân nhắc quy định Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư nhà ở xã hội
Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, vấn đề này còn ý kiến khác nhau.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo hai phương án cho quy định này. Theo đó, phương án một, tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng: quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi.
Phương án hai, chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.
Giữ quy định về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại
Về quy định các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định như Luật Nhà ở hiện hành để phòng, chống sơ hở, thất thu ngân sách do chênh lệch địa tô khi cho phép các loại đất khác được làm dự án nhà ở thương mại.
Các loại đất này cần được thu hồi để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, cũng bảo đảm sự ổn định của các quan hệ xã hội do quy định về các loại đất được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung năm 2022 theo Luật số 03/2022/QH15.
Tuy nhiên, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5 về việc bổ sung hai loại đất khác được làm dự án nhà ở thương mại để thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW quy định: "Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại".
Đề xuất này là chính sách mới, thay đổi so với Luật Nhà ở hiện hành cũng như so với chính sách được Chính phủ đề xuất khi xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
"Do vấn đề nêu trên còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo các vị đại biểu xem xét, quyết định", ông Tùng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận