Xã hội

Đề xuất chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia: Bộ Nội vụ nói gì?

19/06/2023, 12:02

Bộ Nội vụ cho rằng, chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia về Bộ Công thương theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập là không phù hợp.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ góp ý liên quan tới việc điều chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về Bộ Công thương.

Theo Bộ Nội vụ, trên cơ sở nghiên cứu 2 phương án chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia về Bộ Công thương tại Tờ trình số 3711/TTr-BCT nêu trên, Bộ Nội vụ đề xuất chọn phương án 2 (chuyển A0 thành Công ty TNHH MTV thuộc Bộ Công thương), bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng và pháp luật.

img

Bộ Nội vụ không ủng hộ đề xuất chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia về Bộ Công thương

Theo đó, Bộ Nội vụ cho rằng, việc A0 hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ phù hợp với việc quản lý, vận hành thị trường điện lực theo cơ chế thị trường.

Về cơ sở pháp lý, Bộ Nội vụ dẫn chứng, theo Luật Điện lực thì hoạt động điều độ hệ thống điện quốc gia sẽ do Nhà nước độc quyền quản lý.

Theo đó, việc lựa chọn mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và giao Bộ Công thương làm đại diện chủ sở hữu là phù hợp và tạo điều kiện doanh nghiệp này tham gia thị trường điện lực theo quy định của Luật.

Bộ Công thương đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất chuyển nguyên trạng A0 từ EVN thành là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp trực thuộc bộ này.

Theo Bộ Công thương, A0 đang là đơn vị hạch toán phụ thuộc của EVN. Trên cơ sở kết quả làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN và A0 trong ngày 9/6, Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chuyển A0 từ EVN về Bộ Công thương theo một trong hai phương án.

Phương án 1: A0 trở thành đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công thương.

Phương án 2: A0 trở thành công ty TNHH một thành viên, vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Công thương.

Bộ Công thương cho rằng, cả hai phương án nêu trên đều đảm bảo các tiêu chí về tính độc lập, khách quan của A0 so với hiện tại, khả năng phối hợp với các đơn vị liên quan và khả năng linh hoạt đổi mới, sáng tạo.

Về cơ sở thực tiễn, Bộ Nội vụ cho rằng, qua quá trình thành lập và phát triển, A0 đã đáp ứng đủ điều kiện để chuyển đổi thành doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi thành, tiến tới hoạt động độc lập về nhân sự, pháp lý, tài chính, không chung lợi ích với bên bán điện và bên mua điện, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Bộ Nội vụ, điều kiện thực hiện việc tách A0 từ EVN sang Bộ Công thương và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện được ngay. Bởi A0 lúc này hoạt động độc lập với bên bán điện và bên mua điện chỉ thay đổi về đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tạo điều kiện vận hành cơ chế thị trường trong mối quan hệ giữa đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia với đơn vị phát điện, đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện theo quy định của Luật Điện lực.

Theo Bộ Nội vụ, A0 hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV sẽ có điều kiện thu hút nguồn nhân sự chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ điều độ hệ thống điện lực quốc gia, điều này rất khó thực hiện nếu lựa chọn chuyển A0 thành đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, bảo đảm phù hợp với cơ chế điều hành giá, phí (phí điều độ hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực được quy định là một thành phần chi phí cấu thành giá điện, tương tự như giá truyền tải điện) theo quy định của Luật Điện lực.

Bộ Nội vụ cũng cho rằng, trường hợp chuyển A0 thành đơn vị sự nghiệp công lập (như đề xuất của Bộ Công thương) sẽ vướng rất nhiều các văn bản pháp lý có liên quan (về tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách, đấu thầu đặt hàng, quản lý giá phí…) và sẽ không tách bạch được chức năng kinh doanh với chức năng quản lý nhà nước, chưa đáp ứng được lộ trình phát triển của A0.

Từ các vấn đề nêu trên, Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm rõ trách nhiệm trong việc tham mưu, theo dõi, quản lý quá trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam gắn với tái cơ cấu EVN.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.