Khi qua đường ngang, người điều khiển phương tiện cần quan sát cẩn thận, tránh rủi ro va chạm tàu và các phương tiện khác - Ảnh: Tạ Tôn |
Ông Khương Thế Duy, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, đơn vị thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, làm việc với các địa phương có tình hình trật tự ATGT đường sắt diễn biến phức tạp và đôn đốc phối hợp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tai nạn. Đến giữa tháng 12/2017, Cục Đường sắt VN và Tổng công ty Đường sắt VN phối hợp với các địa phương xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào cách ly dọc đường sắt giúp xóa 263 lối đi tự mở qua đường sắt so với năm trước và không để phát sinh vị trí nào; Rào thu hẹp được 1.679 lối đi, bằng 98,1% tổng số vị trí trên toàn quốc, lắp báo hiệu cảnh báo tàu hỏa, hạn chế phương tiện cơ giới đường bộ tại hàng nghìn đường ngang.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, địa bàn Hà Nội có hơn 162km đường sắt với 385 lối đi dân sinh tự mở qua đường sắt. Đến nay, đã xóa được 27 điểm, làm gờ giảm tốc, thu hẹp lối (để chỉ xe máy, xe đạp và người đi bộ qua) hơn 200 điểm, góp phần giảm 5 người chết, 2 người bị thương do TNGT đường sắt trên địa bàn so với năm trước.
Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, từ 15/12/2016 - 15/12/2017, đường sắt toàn quốc xảy ra 334 vụ tai nạn, làm 148 người chết và bị thương 228 người; so với cùng kỳ năm trước giảm được hơn 11% số vụ, gần 6% người chết và 13% người bị thương. |
Tại tỉnh Nam Định, Phó giám đốc Sở GTVT Lý Xuân Hùng cũng cho biết, địa phương đã xóa được 30/276 lối đi dân sinh.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, năm 2017 các địa phương đã vào cuộc đồng bộ và giải pháp bảo đảm bảo an toàn đường ngang đã sát thực tế hơn. Tuy nhiên, số lượng đường ngang tự mở hiện còn nhiều nên kết quả giảm tai nạn chưa bền vững. “Ngành đường sắt và địa phương cần có các giải pháp phối hợp cụ thể hơn, như đưa Luật Đường sắt vào tuyên truyền tại các khu dân cư, tăng cường các đường gom, đặc biệt ưu tiên các vị trí có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, ứng dụng công nghệ vào quản lý đường ngang”, Thứ trưởng Đông nói.
Theo Đại tá Trần Quốc Trung, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), phần lớn các vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại các giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện đường bộ thiếu ý thức về phòng ngừa tai nạn đường sắt. “Hầu hết tai nạn xảy ra do người đi bộ, người điều khiển phương tiện đường bộ chủ quan, không quan sát khi qua đường tàu hoặc xem nhẹ quy tắc giao thông, cố tình vượt qua đường sắt”, ông Trung nêu và cho rằng, có nguyên nhân bất cập là trong nội dung sát hạch lấy GPLX chưa có nội dung điều khiển phương tiện qua giao cắt với đường sắt.
“Cần đưa nội dung thực hành sát hạch điều khiển phương tiện qua đường sắt vào bài thi sát hạch lấy GPLX ôtô để tạo nhận thức cho người điều khiển phương tiện đường bộ”, Đại tá Trần Quốc Trung đề xuất.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng, nên xem xét việc đưa nội dung thực hành điều khiển phương tiện đường bộ qua đường sắt vào bài thi sát hạch lấy GPLX. Bên cạnh đó, tại các nút giao có lưu lượng giao thông lớn, cần ghi hình phạt nguội vi phạm quy tắc giao thông tại nút giao đường bộ với đường sắt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận