Chi cục Quản lý đường bộ III.4 đã đưa ra giải pháp tạm thời đảm bảo ATGT tại các vị trí nguy hiểm trên đèo Lò Xo |
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Kon Tum đã đề xuất Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu, khảo sát để có phương án đầu tư tuyến tránh.
Thời gian qua, đoạn đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Quảng Nam, Kon Tum dù thường xuyên nâng cấp, sửa chữa hệ thống đảm bảo ATGT. Thế nhưng, với cung đường có độ dốc lớn, quanh co liên tục và sương mù quanh năm nên thường xuyên xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III Cao Xuân Giao cho biết, đơn vị được Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN giao 5 tỷ đồng khắc phục điểm đen TNGT tại vị trí có vụ TNGT thảm khốc nhất trên đèo Lò Xo. “Chúng tôi đang rà soát các vị trí tiềm ẩn TNGT khác để có đề xuất với tổng cục nhằm đảm bảo ATGT khi sự cố xảy ra”, ông Giao thông tin. |
Nghiêm trọng nhất là vụ tai nạn ngày 21/4/2005. Xe khách chở 31 cựu chiến binh phường Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) trên đường thăm chiến trường xưa bị rơi xuống vực sâu hơn 70m, 30 cựu chiến binh cùng tài xế và hai phụ xe tử nạn. Mới đây, ngày 1/3, xe khách BKS 90B-005.32 trong khi đổ đèo tại vị trí nguy hiểm trên cũng đã mất kiểm soát, tông vào hộ lan và lao xuống vực sâu cách mặt đường khoảng 100m. Vụ TNGT này được các cơ quan chức năng đánh giá vô cùng nghiêm trọng.
“Hộ lan ATGT không chịu được lực tông mạnh của chiếc xe khách khiến chiếc xe lao thẳng xuống vực. May mắn, trong vụ TNGT này chiếc xe khách không bị lật. Nếu bị lật, hậu quả sẽ khôn lường”, một thành viên Ban ATGT tỉnh Kon Tum cho biết.
Ông Lê Minh Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.4 (Cục Đường bộ III) cho biết, ngoài vị trí TNGT trên còn nhiều điểm đen khác. Do hệ thống đường giao thông đi qua đèo Lò Xo chủ yếu men theo địa hình dốc. Một bên là núi, một bên là vực sâu nên rất nguy hiểm.
“Từ năm 2015 đến nay, nhiều giải pháp đảm bảo ATGT trên đèo Lò Xo đã được thực hiện. Tại các vị trí nguy hiểm như: Km1421 - Km1424; Km 140+503; Km1407 - Km1410; Km1430 - Km1434 đã được mở rộng bụng đường cong, gia cường hộ lan taluy âm, phát quang và đào taluy dương mở rộng tầm nhìn. Hệ thống biển báo được bố trí dày hơn, màn phản quang 3D, tiêu đẫn hướng tim đường, đinh phản quang đã được lắp đặt. Tuy nhiên, TNGT vẫn xảy ra”, ông Tuân nói.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu, khảo sát để có phương án đầu tư tuyến tránh.
Liên quan đến đề xuất của tỉnh Kon Tum, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Minh Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.4 cho rằng, nếu đầu tư tuyến tránh cần rất nhiều kinh phí. “Đầu tư tuyến tránh tại vị trí tuyến đường này chỉ có thể làm cầu cạn tại vực và hầm chui qua một số vị trí đoạn đèo”, ông Tuân nhận định và cho biết: “Cục Đường bộ III đã đề xuất sử dụng phương án hộ lan con lăn năm 2017, nhưng vì kinh phí lớn nên không thể triển khai”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận