Giáo dục

Đề xuất miễn giảm học phí cho con giáo viên: Bộ GD&ĐT nói gì?

11/10/2024, 14:35

Trước nhiều băn khoăn về đề xuất miễn giảm học phí cho con giáo viên trong dự thảo Luật Nhà giáo, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ tiếp tục lắng nghe, đánh giá tác động nhằm đảm bảo tính khả thi và mối tương quan với các ngành nghề khác.

Liên quan đến đề xuất miễn giảm học phí cho con giáo viên trong dự thảo Luật Nhà giáo đang nhận nhiều ý kiến trái chiều, ngày 11/10, trả lời PV Báo Giao thông, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) lý giải: "Các chế độ, chính sách đối với thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức thường được đề xuất quy định đối với một số ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù. Ví dụ: chế độ bảo hiểm y tế, miễn giảm viện phí cho thân nhân của sỹ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong lực lượng vũ trang nhân dân đã được quy định tại Luật Công an nhân dân, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy nhiều quốc gia, ngoài các quy định về chính sách đối với nhà giáo còn quy định các chính sách ưu đãi cho thân nhân của nhà giáo".

Đề xuất miễn giảm học phí cho con giáo viên: Bộ GD&ĐT nói gì?- Ảnh 1.

Dự Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 8, khai mạc ngày 21/10. (ảnh minh họa).

Ông Đức cho biết, với quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo các chính sách, trong đó sẽ có một số chính sách đột phá, tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cũng như nâng cao vị thế nghề nghiệp của nhà giáo để thu hút người giỏi vào ngành, Ban soạn thảo đã đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo nhằm tạo điều kiện để nhà giáo có cuộc sống tốt hơn, yên tâm, gắn bó với sự nghiệp giáo dục.

"Trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT luôn luôn cầu thị, nghiêm túc lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện của các đại biểu Quốc hội, của các nhà giáo và cử tri và nhân dân cả nước để điều chỉnh kịp thời nếu đủ căn cứ. Vì vậy, với nội dung quy định về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tổng hợp các ý kiến, rà soát kỹ lưỡng, đánh giá tác động các quy định theo hướng đảm bảo tính khả thi, đảm bảo mối tương quan với các ngành nghề khác và điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước. Theo đó sẽ có chỉnh sửa trong dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội là những vấn đề gì đã chín, đã rõ, đồng thuận cao thì đưa vào Luật; đưa các nội dung chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng hoặc các vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cao ra khỏi dự thảo Luật", ông Đức thông tin.

Một số điểm cập nhật trong dự thảo Luật Nhà giáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp thứ 37, 38

Dự thảo 5 Luật Nhà giáo (bản chỉnh lý đến ngày 1/10/2024) gồm 9 Chương 45 Điều.

Dự thảo Luật Nhà giáo được điều chỉnh nhưng vẫn bám sát và thể hiện nội dung của 5 chính sách đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua tại giai đoạn lập đề nghị xây dựng Luật; đồng thời, làm rõ hơn định hướng: Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức, thực hiện các quy định của Luật Viên chức (tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo.

Dự Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 8, khai mạc ngày 21/10.

Liên quan đến dự thảo Luật Nhà giáo, ngày 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến lần 2 về dự thảo này. Trong đó, với đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác, căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ, mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng việc này chỉ áp dụng được trong các trường công lập, rất khó áp dụng với cơ sở tư thục. Do đó, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ.

Ngoài ra, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị làm rõ các điều kiện đảm bảo cho chính sách tiền lương, phụ cấp và hỗ trợ với nhà giáo, chẳng hạn, lấy nguồn nào để chi 9.200 tỷ đồng miễn học phí cho con giáo viên. Phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác.

Còn theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, "việc này có thể để Chính phủ quy định, theo hướng hỗ trợ các nhà giáo khó khăn, chứ không ghi vào Luật. Ưu đãi, chế độ đặc thù thì được nhưng đặc quyền, đặc lợi thì không nên".

Cũng trong dự thảo Luật Nhà giáo lấy ý kiến lần này, Bộ GD&ĐT đề xuất tăng một bậc lương so với bảng lương hành chính thông thường cho những giáo viên mới được tuyển dụng, xếp lương lần đầu. Đồng thời, mức phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non được tăng thêm 10%, tiểu học 5%... Nếu đề xuất mới được thông qua, chi phí tăng thêm để chi trả tiền lương cho giáo viên sẽ khoảng hơn 12.800 tỷ đồng một năm.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.