Ai sẽ đảm bảo cho tiểu thương tiêm trước?
Bộ Công thương vừa có Công văn 4728 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá để mở trở lại các chợ đã đóng vì có ca nhiễm Covid-19.
Bộ này hướng dẫn, các chợ trước khi hoạt động lại phải đáp ứng điều kiện: "100% tổ chức, cá nhân quản lý chợ, tiểu thương, người lao động tại chợ được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19".
Đồng thời, người làm việc tại chợ trước khi quay lại làm việc, kinh doanh phải có kết quả PCR âm tính còn hiệu lực.
Các chợ đang thực hiện giãn cách phòng dịch Covid-19.
Đây cũng là yêu cầu để bố trí chợ tạm thay thế các chợ bị đóng cửa do có ca nhiễm.
Đề xuất này được đánh giá là cần thiết, tuy nhiên, nhiều người cho rằng chưa sát thực tế với băn khoăn: Ai đảm bảo cho tiểu thương được tiêm trước, bao giờ mới đủ 100% tiểu thương được tiêm để bán thức ăn cho người dân?
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại các chợ như Nghĩa Tân, Quan Hoa (Cầu Giấy), Phú Lãm (Hà Đông), Phúc Lợi (Long Biên)… cho thấy, phần lớn các tiểu thương đều chưa được tiêm vaccine, họ cũng không nắm được kế hoạch ưu tiên tiêm vaccine.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, đại diện Ban quản lý một chợ ở Hà Nội - đang bị đóng cửa sau khi có ca nhiễm Covid-19 cho biết, họ đã thống kê danh sách tiểu thương để gửi về phường nhưng đến bao giờ được tiêm thì “không được phổ biến”.
Theo vị đại diện, quy định này khiến chợ đang chịu thiệt thòi so với siêu thị, khi siêu thị chỉ cần xét nghiệm âm tính nhân viên là được mở lại. Mặc dù, ở siêu thị không gian kín nguy cơ lây nhiễm cao hơn chợ.
Trong khi, nguồn cung cấp thực phẩm chính cho người dân trong khu vực vẫn là chợ.
Chưa kể, thành phố còn quy định đi chợ theo phường. Nếu đóng chợ trong phường rồi mà đợi tiêm vaccine cho hết quản lý đến tiểu thương thì bao giờ mới mở lại chợ và làm sao mở được chợ tạm. Trong khi đó, đi xa thì sợ phạt vi phạm quy định phòng dịch.
“Nếu thời gian tiêm kéo dài, ai chịu trách nhiệm cung ứng hàng hóa cho dân? Ai đảm bảo cho tiểu thương được tiêm trước?”, vị đại diện đặt câu hỏi.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cũng cho biết, đã có danh sách của các tiểu thương, tuy nhiên, kế hoạch tiêm sẽ được phân bố theo 16 đối tượng ưu tiên. Sẽ thực hiện theo lần lượt thứ tự ưu tiên như y tế, người tham gia phòng chống dịch, công an, bộ đội...
“Hiện nay, vẫn chưa có lịch tiêm cho đối tượng này, thời gian tiêm còn phụ thuộc vào lượng vaccine phân bổ các đợt, cho từng địa phương”, bà Thủy nói.
Phải cho mở có kiểm soát chợ đầu mối
Không đồng tình với các yêu cầu trên, một chuyên gia trong lĩnh vực này thẳng thắn: "Đừng bắt cóc bỏ đĩa, làm sao xuể mà bị động".
Theo vị này, phải cho mở lại có kiểm soát ngay các chợ đầu mối, bởi đây là “cái hồ chứa”. Từ đó, mới có hàng đến của hàng, chợ lẻ.
Chợ đầu mối thường có khả năng cung ứng 60% hàng nông sản thực phẩm cho thành phố và các tỉnh thành. Do đó, nếu đóng thì không những gây tắc hàng cho bán lẻ mà còn tắc tiêu thụ.
Bởi vậy, phải tìm cách thiết lập lại chuỗi cung ứng an toàn từ sản xuất - vận chuyển - chợ đầu mối - vận chuyển - chợ lẻ - của hàng tiện lợi, siêu thị… Hàng hoá, phương tiện, người tham gia chuỗi này phải kiểm soát tốt mới vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế an sinh xã hội.
Phải hình dung được quy trình, từng khâu, từng nấc có ai tham gia… điều kiện hoạt động. Từ đó, đề ra biện pháp phòng ngừa và chủ động xử lý khi có tình huống xấu xẩy ra bởi tất cả đối tượng tiêm hay không tiêm khi nhiễm bệnh đều có tốc độ lây như nhau.
Ai tiêm trước được "đi chợ" sớm?
Trao đổi với Báo Giao thông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, mục tiêu Bộ đưa ra là vừa để các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng này; Vừa rà soát sớm mở lại, hoặc mở chợ tạm, nhưng lưu ý (cân nhắc) các yếu tố phòng chống dịch.
Ngoài ra, để các địa phương có căn cứ để mở lại chợ, bởi hiện có tình trạng chính quyền địa phương không dám mở lại chợ vì sợ trách nhiệm liên quan đến công tác phòng chống dịch.
“Công văn của Bộ nêu rõ là địa phương lưu ý và căn cứ nguồn lực, tình hình thực tiễn tại địa phương để chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại chợ.
Đồng thời hướng dẫn, bố trí địa điểm tạm thời và tổ chức mở cửa hoạt động trở lại đối với các chợ phải đóng cửa tạm thời cho phù hợp, vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch, vừa bảo đảm nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân địa phương”, ông Đông nói.
Cũng theo ông Đông, qua việc hướng dẫn mở lại chợ, Bộ cũng gián tiếp đề nghị các địa phương sớm tiêm cho người lao động và các đối tượng hoạt động tại chợ và mở từng bước, từng phần một.
Vị này cũng giải thích: “100% ở đây phải hiểu là cứ đối tượng nào được tiêm thì được hoạt động và ưu tiên. Tức là 100% đối tượng hoạt động đã được tiêm chứ không phải chờ hết 100% tiểu thương và các đối tượng được tiêm thì chợ mới được mở trở lại”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận