Việc quy định về điện hạt nhân trong dự thảo luật cần được nghiên cứu kỹ lưỡng
Chiều nay (19/8), tiếp tục phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Điện lực sửa đổi.
Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi gồm 9 chương, 121 điều, có nhiều điểm mới.
Đáng chú ý, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi đã đề cập tới phát triển điện hạt nhân. Theo đó, điện hạt nhân là một trong số loại điện năng lượng mới. Nhà nước sẽ độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện loại này, bên cạnh độc quyền về đầu tư nhà máy thủy điện đa mục tiêu và các dự án nguồn, lưới điện khẩn cấp, điều độ hệ thống điện.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN&MT) cho rằng, Việt Nam có tiềm năng về phát triển điện hạt nhân và trong thời gian qua đã có những chuẩn bị bước đầu cơ bản. Trong bối cảnh thế giới đang quay trở lại đầu tư, phát triển mạnh mẽ điện hạt nhân, việc phát triển nguồn năng lượng này trở nên rất quan trọng.
Mặt khác, điện hạt nhân được xem là một phương án quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng và đạt được mục tiêu net zero vào năm 2050, như cam kết của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Thường trực cơ quan thẩm tra, việc quy định về điện hạt nhân trong dự thảo luật cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, làm rõ các quy định với điện hạt nhân, cũng như nghiên cứu, quy định nguyên tắc trong luật này dẫn chiếu Luật Năng lượng nguyên tử.
Cạnh đó, cần cung cấp căn cứ chính trị, cơ sở khoa học, công nghệ và kỹ thuật để hỗ trợ việc triển khai các dự án điện hạt nhân.
Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo cấp có thẩm quyền về mức độ quy định với phát triển điện hạt nhân. Đồng thời, bổ sung các quy định về hỗ trợ, quản lý rủi ro, quy định về an toàn và bảo vệ môi trường liên quan đến việc phát triển và vận hành các nhà máy điện hạt nhân.
Đề xuất Chính phủ có thẩm quyền quyết định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện
Theo luật hiện hành, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện. Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phân cấp quyết định điều chỉnh.
Tuy nhiên, điện là loại hàng hóa thiết yếu nên việc điều chỉnh giá chịu nhiều sức ép của dư luận và có thể gây ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế vĩ mô. Cạnh đó, việc điều hành, quyết định điều chỉnh giá điện cần được xem xét, đánh giá tổng thể.
Dự thảo luật sửa đổi đề xuất Chính phủ sẽ là cơ quan có thẩm quyền trong ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, thay vì Thủ tướng.
Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, trong đó quy định cụ thể thẩm quyền theo từng mức điều chỉnh giá.
Tờ trình Chính phủ cho hay thời gian qua, việc điều chỉnh giá điện được căn cứ trên báo cáo tài chính, dữ liệu chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán của các đơn vị điện lực.
Dự thảo lần này đưa ra quy định rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống còn 3 tháng, để giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp biến động thực tế, thông số đầu vào sản xuất điện và bù đắp các chi phí, lợi nhuận hợp lý để bảo toàn vốn kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, dự luật làm rõ việc Bộ Công thương hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát và bán buôn điện (tính toán bình quân khung giá bán buôn điện theo thời gian sử dụng và tính toán bình quân trong chu kỳ tính khung giá). Các hướng dẫn của Bộ này về các loại giá, khung giá điện phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về phạm vi xây dựng khung giá phát của đơn vị phát điện, giá hợp đồng mua bán điện…
Thẩm tra các nội dung này, Thường trực Ủy ban KH-CN&MT đánh giá các quy định về giá điện tại dự thảo hầu hết đều giao Bộ Công thương xây dựng, thẩm định. Nội dung này đã được quy định tại Luật Điện lực năm 2004.
Tuy nhiên, việc xây dựng, thực hiện giá điện chưa hiệu quả, chưa minh bạch hết các thành phần cấu thành giá. Trong khi đó, đây là một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự công bằng, minh bạch của thị trường điện cạnh tranh.
Từ nhận định trên, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định trách nhiệm công khai minh bạch các loại giá (truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện).
Cơ quan soạn thảo cần rà soát quy định về thẩm quyền, hình thức và phương pháp định giá với giá điện, dịch vụ về điện bảo đảm thống nhất với các quy định tại Luật Giá. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét bổ sung cơ chế để cân bằng, bình ổn giá điện (có thể là quỹ hoặc tài khoản cân bằng giá điện).
Ngoài ra, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng quy định liên quan đến giá điện hiện nay vẫn còn rải rác, trùng lặp, sơ sài và thiếu đồng bộ, không đủ cụ thể và không tương xứng với vai trò quan trọng của giá điện. Do vậy, ý kiến này đề nghị thiết kế nội dung liên quan đến giá điện thành một chương riêng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận