Đề xuất quy định những biển số bắt buộc phải đấu giá
Sáng nay (26/10), tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, trong các nhóm số, có những số được người dân công nhận đẹp theo logic khoa học như: biển số có 5 số giống nhau, có 4 số đầu và bốn số giống nhau, có 3 số đầu hoặc 3 số cuối kết hợp với 2 số còn lại tạo ra dãy số liên tục, hay 5 số tiến đều…
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định)
Về biển số xấu hay đẹp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đã khẳng định, quan điểm của Ban soạn thảo là không có biển xấu hay đẹp, mà chỉ có những biển thoả mãn mong muốn đối với những người có nhu cầu sử dụng.
Biển đưa ra đấu giá là tất cả biển số đưa ra công khai để những người có nhu cầu lựa chọn và tham gia đấu giá. Không có cơ quan nào lựa chọn biển xấu, biển đẹp.
"Ví dụ, quý 4/2022 chúng tôi chuẩn bị cấp cho Hà Nội 10.000 đầu số thì trước đó chúng tôi sẽ công bố 10.000 đầu số ấy trên các phương tiện thông tin như dự thảo Nghị quyết đưa, những người có nhu cầu đấu giá thì đăng ký. Những số có người đăng ký sẽ đưa ra đấu giá, những số không có người đăng ký thì chuyển vào kho số của Bộ Công an để chuyển về Hà Nội bấm ngẫu nhiên", ông Long dẫn chứng.
"Tôi đã tính toán có khoảng 2.200 số tuyệt đối, ai cũng công nhận là đẹp, không tính theo quan niệm dân gian, phong thuỷ", đại biểu này cho biết.
Theo đại biểu Cảnh, giá khởi điểm chỉ là gợi ý để mọi người từ mốc đó mà đẩy giá cao lên khi có nhu cầu, tuy nhiên, theo quan sát trong các phiên đấu giá, nếu đưa ra mức khởi điểm cao hơn thì khả năng giá kết thúc cũng cao hơn.
"Tôi đề xuất quy định về biển số đấu giá nên nêu rõ những biển số bắt buộc phải đấu giá là những biển số được công nhận đẹp theo logic, theo khoa học mà tôi nêu ở trên, còn lại những số khác thì người dân tuỳ chọn, thích số nào thì để xuất đưa ra để đấu giá. Và với những biển số bắt buộc phải đưa ra đấu giá thì mức khởi điểm là 200 triệu đồng", vị đại biểu đoàn Bình Định đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cũng cho rằng mức giá ban đầu để đưa ra đấu giá mà dự thảo Nghị định đưa ra (20-40 triệu đồng) là quá thấp và đề nghị phải có tiêu chí chọn biển số đấu giá rõ ràng, cụ thể.
"Đã đi đấu giá biển số xe đẹp thì đó chắc chắn là người có năng lực về tài chính. Nếu mức giá khởi điểm thấp, rồi phải thuê tổ chức thực hiện đấu giá thì phần thu lại cho Nhà nước có đủ lớn không?", ông Phương đặt vấn đề và đề xuất thay vì mức giá khởi điểm 40 triệu có thể xem xét mức 80 triệu đồng.
Còn đại biểu Võ Văn Hội (đoàn Bến Tre) đề nghị cần quy định rõ nếu có nhiều người tham gia đấu giá cùng tham gia trả giá thì người trúng đấu giá là người có mức đấu giá cao nhất so với giá khởi điểm.
Quang cảnh buổi thảo luận tổ sáng 26/10
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội góp ý dự thảo chỉ nên đưa ra mức giá tối thiểu và giao lại HĐND quyết.
"Đấu giá tập trung thì ngân sách địa phương được hưởng chứ không phải ngân sách Trung ương hay Bộ Công an. Vì vậy, tốt nhất nên đưa về cho địa phương, giao HĐND quyết định mức giá và giá khởi điểm", ông Thanh nói.
Phân tích thêm, Chủ tịch Hà Nội cho rằng, nếu quy định mức giá khởi điểm đấu giá theo vùng là 20 triệu đồng hoặc 40 triệu sẽ "loạn cào cào".
"Vẫn nên giao HĐND quyết, đừng chê tỉnh nghèo. Nhà nước nghèo chứ dân không nghèo, ví dụ Đắk Lắk nghèo chứ dân không nghèo đâu, xe xịn còn nhiều hơn Đà Nẵng", ông Thanh nói.
Đấu giá toàn quốc, quản lý thế nào?
Hiện Dự thảo Nghị quyết đấu giá biển số xe quy định doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả tỉnh, thành để đăng ký tham gia đấu giá; người trúng đấu giá được đăng ký biển số trúng đấu giá tại cơ quan công an nơi quản lý biển số trúng đấu giá.
Băn khoăn về đề xuất này, đại biểu Nguyễn Danh Tú, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp dẫn quy định hiện nay về việc mỗi tỉnh có một đầu số riêng để quản lý biển số ôtô, ví dụ Cao Bằng là 11, Kiên Giang là 68, Hà Nội là 29…
"Giờ quy định có thể đăng ký đấu giá trên toàn quốc, người ở Kiên Giang có thể đăng ký tham gia đấu giá biển xe ở Hà Nội với biển 29 và ngược lại. Vậy cơ quan công an tỉnh Kiên Giang có thể cấp biển số đầu 29 của Hà Nội không?", ông Tú thắc mắc.
Đồng quan điểm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, nếu cấp theo kiểu đồng loạt như vậy, một người ở Cà Mau đấu giá ở Hà Nội và gắn biển số Hà Nội, chạy ở Cà Mau thì công tác quản lý sẽ rất nhiều phức tạp.
"Khi chạy xe thì chúng ta không hạn chế chạy ở đâu nhưng có quy định về việc đăng ký để quản lý theo địa bàn.Nghị định cần quy định cụ thể về cách thức mà Bộ công an sẽ tiến hành quản lý ô tô để phù hợp với quy định đấu giá biển số trên toàn quốc", bà Thủy nói.
Tiền thu từ đấu giá biển số nên để phục vụ công tác đảm bảo ATGT
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng đề xuất, bên cạnh hình thức đấu giá trực tuyến, với những biển số bắt buộc phải đấu giá nên tổ chức các phiên đấu giá trực tiếp công khai vào những dịp đặc biệt như dịp Tưởng niệm nạn nhân tử nạn do TNGT.
Ngoài ra, số tiền thu được từ đấu giá những biển số này nộp về ngân sách nhà nước nhưng cần ghi rõ phục vụ cho công tác đảm bảo trật tự ATGT. Ví dụ lắp đặt thêm phản quang trên các tuyến đường, in giới hạn tốc độ xe trên mặt đường,…
"Khi nêu mục đích như vậy, người tham gia đấu giá thấy rằng việc đấu giá có mục đích rõ ràng nhằm đảm bảo ATGT, góp phần hạn chế TNGT sẽ giúp họ phóng khoáng hơn trong việc chi tiền đấu giá. Tôi đề nghị ghi rõ trong Nghị định là sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số bắt buộc phải đưa vào mục đích hỗ trợ cho đảm bảo ATGT", ông Cảnh nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận