Đa số đại biểu dự hội nghị lấy ý kiến về sửa đổi Nghị định 171 đều đề nghị tăng mức xử phạt hành vi vi phạm giao thông (Trong ảnh: Chụp tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội) |
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, Nghị định 171 và Nghị định 107 cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo đảm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chở hàng quá tải trọng; điều khiển phương tiện mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá quy định; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc… còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra phổ biến, nhiều xe chở quá tải 100-300%, nhiều xe bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc xảy ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ cao gây TNGT. Trong khi đó mức xử phạt hiện rất thấp, không đủ sức răn đe. Hiện nay, hành vi điều khiển xe mô tô đi vào đường cao tốc mới chỉ phạt từ 200 nghìn - 400 nghìn đồng.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, dự thảo Nghị định sẽ tăng mức xử phạt các nhóm hành vi như: vi phạm về nồng độ cồn (mô tô, xe máy, xe chuyên dùng); vi phạm là nguyên nhân gây TNGT như tốc độ, làn đường… một số hành vi liên quan đến đường cao tốc; Các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải hành khách; không chấp hành hiệu lệnh, cản trở xe ưu tiên… và tăng mức phạt đối với phương tiện chở quá tải 150%.
Về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, những hành vi đi ngược chiều, vượt đèn đỏ cần phải có chế tài xử phạt thật nặng. Liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, ông Hùng cho rằng, hiện nay phạt ở mức 1 (Nồng độ cồn dưới 50 miligam hoặc dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở) nên giảm, mức 2 tăng và mức 3 cần tăng cao lên mức cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô. “Trong tất cả các điều này nên có một điều quét tất cả các chế tài nếu không chấp hành phải phạt ở mức cao nhất”, ông Hùng đề xuất.
Góp ý về sửa đổi Nghị định, ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng, cần điều chỉnh quy định về xử phạt hành vi vi phạm giao thông đường bộ để tăng tính răn đe.
Đối với xe khách đang nổi lên tình trạng chở quá số người quy định, đây cũng được coi là chở quá tải, mức phạt cũng cần được nâng lên. Đối với tuyến trên 300 km, quy định xử phạt chở quá số người quy định hiện ở mức gấp hai lần giá vé nhưng chưa đủ sức răn đe nên cần nâng lên gấp ba lần giá vé. Về đề xuất này của Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị cần nâng lên 5 lần mới đủ sức răn đe.
Đối với hành vi chở quá tải, ông Huyện cho rằng, hiện nay đang quy định vi phạm trên 150% mới nâng mức phạt. Ông Huyện đề xuất tất cả các hành vi chở quá tải từ 10% trở lên vẫn phải nâng mức phạt lên vì hiện nay phổ biến vi phạm từ 20-100%. Đối với việc chở quá tải trên 150% là mức nguy hiểm nên đưa vào xử lý hình sự là hợp lý.
Đồng tình với các ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Thứ trưởng Lê Đình Thọ tiếp thu các ý kiến để sớm hoàn chỉnh dự thảo nghị định.
Giữ quy định cơ quan quản lý, khai thác cảng
Trước đó, cũng trong chiều 20/7, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp tiếp thu, giải trình với Quốc hội (QH) về những nội dung sửa đổi Bộ luật Hàng hải VN đã được các đại biểu QH cho ý kiến.
Vấn đề nhận được sự quan tâm nhất là Điều 142 Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hàng hải VN, trong buổi thảo luận tại Hội trường, một số ý kiến đại biểu QH đề nghị không thành lập Ban quản lý và khai thác cảng biển, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, địa vị pháp lý với các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và chính quyền địa phương hiện hữu.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng sau khi nghe các ý kiến đại biểu tại cuộc họp, cho rằng cần tiếp tục giữ quy định về Ban quản lý khai thác cảng trong Dự thảo sửa đổi Bộ luật. Theo Bộ trưởng, tên gọi của mô hình này tại hầu hết các nước là “Chính quyền cảng biển”. Còn với Việt Nam, trong khi chưa nghĩ ra tên gọi thay thế hay hơn, chính xác hơn, trước mắt vẫn để là Ban quản lý khai thác cảng.
“Đưa mô hình mới này vào chính vì mô hình quản lý khai thác cảng biển hiện nay không hiệu quả. Thực tế các cảng biển quá manh mún. Một khu vực có quá nhiều nhà đầu tư, khai thác, quá nhiều cơ quan có quyền hành, trong khi thiếu sự phối hợp, mạnh ai nấy làm, cạnh tranh thiếu lành mạnh”, Bộ trưởng nói.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng cho ý kiến đối với 14 nội dung khác của dự thảo sửa đổi Bộ luật Hàng hải được các đại biểu cho ý kiến. “10 năm nay Việt Nam mới có cơ hội sửa Bộ luật Hàng hải. Do đó phải tận dụng cơ hội, nội dung gì cần thiết sửa phải sửa cho tốt nhất, xây dựng Bộ luật Hàng hải Việt Nam tiến bộ hơn, để thúc đẩy kinh tế hàng hải”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận