Dự thảo Nghị định được Cục Đường bộ VN xây dựng nhằm hướng dẫn Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025. Luật Đường bộ quy định, các tuyến đường cao tốc do Nhà nước xây dựng sẽ được tổ chức thu phí.
Theo đó, cục đề xuất mức phí cụ thể cho từng tuyến đường, với mức thấp nhất là 900 đồng/km, cao nhất là 6.000 đồng/km, tùy từng nhóm, loại phương tiện và tuyến đường.
Các tuyến cao tốc sẽ được thu phí khi đảm bảo ba điều điều kiện gồm: Công trình đường bộ cao tốc được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc; hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định; hoàn thành lắp đặt trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị đảm bảo công tác vận hành, phục vụ việc thu phí.
Đối với đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày 1/1/2025 mà chưa đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn đường cao tốc thì việc thu phí được triển khai khi đã hoàn thành thi công và lắp đặt xong trạm thu phí.
Cục Đường bộ VN cũng cho biết, mức phí được xác định phải đảm bảo hợp lý hài hòa với mức thu dịch vụ sử dụng đường bộ và đường cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Song song đó, mức thu cho phép người sử dụng đường cao tốc chia sẻ lợi ích với Nhà nước, thấp hơn lợi ích người sử dụng đường cao tốc thu được.
Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo đề xuất mức phí đối với các tuyến cao tốc được đầu tư đồng bộ theo quy chuẩn như sau: Đường cao tốc có bốn làn xe mức phí thấp nhất là 1.300 đồng/km cao nhất là 5.200 đồng/km; đường cao tốc có 4 làn xe trở lên mức phí thấp nhất là 1.500 đồng/km, cao nhất là 6.000 đồng/km.
Đối với đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày 1/1/2025 mà chưa đạt chuẩn theo quy định (chưa có trạm dừng nghỉ, đường gom…) có mức phí như sau: Cao tốc có 4 làn xe hạn chế mức phí thấp nhất là 900 đồng/km, cao nhất là 3.600 đồng/km; đường cao tốc có 4 làn xe và làn dừng khẩn cấp liên tục thấp nhất là 1.000 đồng/km, cao nhất là 4.000 đồng/km; đường cao tốc có 4 làn xe trở lên, mức thấp nhất là 1.100 đồng/km, mức cao nhất là 4.400 đồng/km.
Với phương án mức thu như trên, dự kiến sau khi triển khai thu phí đối với các tuyến cao tốc đang khai thác, số phí thu được có thể đạt 3.210 tỷ đồng mỗi năm; số thu nộp ngân sách Nhà nước là 2.850 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, nghị định xây dựng theo hướng chất lượng dịch vụ đường cao tốc tương ứng với mức thu, đường đảm bảo các tiêu chuẩn sẽ có mức phí khác với các tuyến đường chưa đáp ứng các tiêu chuẩn.
Thêm vào đó, Nhà nước thu phí đường cao tốc không phải vì lợi nhuận. Việc thu phí nhằm mục đích phục vụ cho công tác bảo trì và đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới.
Về hình thức thu phí, lãnh đạo Cục Đường bộ cho biết hiện đang nghiên cứu hai hình thức đó là Nhà nước tự tổ chức thực hiện, hoặc nhượng quyền cho tư nhân quản lý và khai thác (O&M).
Với hình thức thứ nhất, cơ quan quản lý tài sản đường cao tốc sẽ là Cục Đường bộ. Theo đó, cục sẽ đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng. Phương án này có nhược điểm là thu phí kiểu "nhặt dần", sau khi trừ chi phí tổ chức thu sẽ nộp ngân sách.
Hình thức thứ hai, Nhà nước sẽ bán quyền thu phí cho nhà đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định. Họ sẽ đứng ra thu phí và quản lý, bảo trì tuyến đường. "Phương án này có ưu điểm là Nhà nước sẽ thu được một khoản tiền lớn ngay để tái đầu tư các tuyến cao tốc, không phải "nuôi" bộ máy quản lý và thu phí. Tuy nhiên, với những tuyến cao tốc có lưu lượng thấp sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư", ông Thái phân tích.
Số lượng dự án cao tốc sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm 2025, khi 12 dự án thành phần thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) hoàn thành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận