Dự án BOT QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí chậm tiến độ do vướng mắc mặt bằng và năng lực yếu kém của các nhà thầu phụ - Ảnh: Tạ Tôn |
Nhà thầu yếu, địa phương chây ỳ mặt bằng
Khởi công tháng 5/2014 với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu hơn 2.905 tỷ đồng, dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí dài 57km được kỳ vọng sẽ góp phần giải tỏa ách tắc, đảm bảo ATGT cho QL18 và góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH cho các tỉnh Bắc Ninh - Hải Dương - Quảng Ninh nói riêng và khu vực Đồng bằng Bắc bộ nói chung. Đến nay, qua hơn 3 năm triển khai thi công, dự án vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là công tác bàn giao mặt bằng của các địa phương: Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh rất chậm. Bên cạnh đó, năng lực của các nhà thầu tư vấn và xây lắp tham gia dự án rất yếu kém, khiến tiến độ dự án bị chậm.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, trong hợp đồng BOT giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư, dự án sẽ hoàn thành vào 31/3/2017. Sau đó, Bộ GTVT đã phải gia hạn cho nhà đầu tư thêm 6 tháng, đến 30/9/2017. Tuy nhiên, đến nay, mục tiêu hoàn thành dự án vào ngày 30/9/2017 tiếp tục trở nên xa vời. Trước viễn cảnh này, mới đây, Công ty CP BOT Phả Lại (doanh nghiệp dự án) và Ban QLDA2 (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) tiếp tục đề nghị Bộ GTVT gia hạn tiến độ hoàn thành dự án đến 31/12/2017.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL18, đoạn Bắc Ninh - Uông Bí có chiều dài 57km, quy mô 4 làn xe, theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng. Dự án có tổng mức đầu tư 2.905 tỷ đồng do Công ty CP Phát triển Đại Dương làm nhà đầu tư. Đơn vị tư vấn thiết kế: Công ty CP Thiết kế GTVT phía Nam (TEDI SOUTH). Các đơn vị thi công, gồm: Công ty CP Xây dựng số 15 Thăng Long, Công ty CP Công trình giao thông Hải Phòng, Công ty TNHH Hoàn Hảo, Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà, Công ty TNHH Môi trường và Xây dựng Thái Sơn, Công ty Thành Long, Công ty Long Hải… |
Liên quan đến vướng mắc trong công tác GPMB, tại cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai dự án mới đây, ông Lê Minh Nam, Phó giám đốc Ban QLDA2 cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn vướng 180m, Hải Dương vướng 230m, Đông Triều (Quảng Ninh) còn khoảng 90m và khu vực TP Uông Bí (Quảng Ninh) tồn tại các hộ dân cản trở không cho thi công với tổng chiều dài khoảng 600m.
Trong khi đó, ông Phan Quốc Hiếu, Phó cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho rằng, ngoài việc vướng mắc mặt bằng, năng lực của nhà thầu tham gia dự án còn nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. “Đối với những đoạn đã có mặt bằng, Cục QLXD&CLCTGT đã lập các mốc tiến độ và hướng dẫn nhà đầu tư, nhà thầu nhưng tiến độ vẫn chậm so với tiến độ tuần, tháng đã được Bộ GTVT chấp thuận”, ông Hiếu nói và đề xuất thay thế một số nhà thầu phụ yếu kém để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, năng lực đơn vị tư vấn thiết kế của dự án cũng rất yếu. “Trong quá trình thiết kế, đơn vị tư vấn làm không sát, dẫn tới khi triển khai thực tế phải bổ sung rất nhiều. Nhà đầu tư đã lựa chọn và ký hợp đồng với Công ty CP Thiết kế GTVT phía Nam (TEDI SOUTH). Tuy nhiên, đơn vị này chỉ đứng tên trên danh nghĩa, còn thực tế khi triển khai lại đi thuê lại đơn vị khác”, đại diện Cục QLXD&CLCTGT thông tin.
Trên cơ sở đó, ông Hiếu cho rằng, để Bộ GTVT tiếp tục gia hạn tiến độ dự án đến 31/12/2017, Ban QLDA2 và đơn vị tư vấn phải xác định rõ lỗi nào do nhà đầu tư, lỗi nào do địa phương chậm bàn giao mặt bằng thi công. “Lỗi do nhà đầu tư làm tiến độ dự án kéo dài sẽ không được tính vào tổng mức đầu tư dự án”, ông Hiếu khẳng định.
Khẩn trương thi công hoàn thành dự án
Đánh giá tiến độ thực hiện dự án còn chậm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do công tác GPMB của các địa phương thực hiện chưa đúng với cam kết. Bên cạnh đó, công tác tổ chức thi công của nhà đầu tư và các nhà thầu chưa quyết liệt, công tác tư vấn thiết kế còn thiếu sót, phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện.
Theo Thứ trưởng Công, Bộ GTVT đồng ý về chủ trương gia hạn tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 31/12/2017 theo đề nghị của Ban QLDA 2 và Công ty CP BOT Phả Lại. “Cục QLXD&CLCTGT, Ban QLDA 2, nhà đầu tư tiếp tục làm việc với các địa phương để giải quyết dứt điểm các tồn tại về mặt bằng, xác định cụ thể thời gian bàn giao mặt bằng còn lại làm cơ sở để Bộ GTVT xem xét, gia hạn cụ thể tiến độ hoàn thành dự án, xác định trách nhiệm của các bên liên quan”, Thứ trưởng Công chỉ đạo.
Đối với công tác thi công, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu Ban QLDA2, nhà đầu tư chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu huy động đầy đủ thiết bị, nhân lực để thi công hoàn thành các đoạn đã bàn giao dứt điểm mặt bằng như kế hoạch. “Các nhà thầu phải triển khai thi công ngay những đoạn tuyến đã nhận mặt bằng để tránh tái lấn chiếm cũng như khi địa phương tổ chức bảo vệ mặt bằng thi công. Các đoạn có đủ công địa cần tổ chức thi công liên tục áp sát các khu vực còn vướng mắc về mặt bằng”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận