Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tính tới 13h chiều nay, 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 100km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão; di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Campuchia.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau có khả năng mạnh lên thành bão, từ ngày mai 30/10, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 4-7m; biển động rất mạnh…
Từ ngày 30-31/10, ở các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to (tổng lượng mưa 300-400mm/đợt, riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 400-600mm/đợt). Từ ngày 31/10 đến 02/11 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 300-500mm/đợt).
Nhận định về cơn bão sắp hình thành, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, khu vực tâm bão đổ bộ được nhận định là Nam Trung bộ. Trong đó, các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên có thể sẽ lại lặp lại “cơn bão con voi” đã từng xảy ra vào đầu tháng 11/2017. “Được tiếp sức bởi không khí lạnh mạnh, cơn bão này có đặc điểm là sẽ đột ngột mạnh lên khi vào gần bờ và có đường đi, vị trí đổ bộ gần giống với cơn bão Damrey năm 2017”, ông Mai Văn Khiêm cảnh báo.
Phát biểu tại cuộc họp khẩn sáng 29/10, của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Từ thực tế trên, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão đồng thời chủ động các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn về người và tài sản".
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành văn bản gửi các tỉnh chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới chủ động các biện pháp ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan đặc biệt đối với các khu vực nguy hiểm như lũ quét, sạt lở đất, tai biến địa chất tại các khu vực miền núi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận