Xã hội

Đến 2025: Phát triển hạ tầng hiện đại, đầu tư dự án giao thông trọng yếu

22/07/2021, 14:44

Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư khẳng định giai đoạn 2016-2020, kết cấu hạ tầng đã phát triển đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị lớn.

Sáng 22/7, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Quốc hội về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Trong 5 năm từ 2016-2021, kinh tế vĩ mô nước ta ổn định vững chắc. Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt khoảng 6%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trên thế giới, khu vực. Quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 271,2 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với cuối năm 2015.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn thừa nhận Quốc hội giao 21 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 142/2016/QH13 nhưng chỉ có 16 chỉ tiêu đạt và vượt, 5 chỉ tiêu không đạt, chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

img

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị lớn

Đáng lưu ý, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định giai đoạn 2016 - 2020, kết cấu hạ tầng đã phát triển đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Theo đó, đã đưa một số công trình, dự án giao thông quan trọng vào sử dụng từ đầu giai đoạn 2016-2020 như: Các dự án cải tạo, nâng cấp QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các dự án đường cao tốc hướng tâm có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực vận tải.

Một số công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn được tập trung đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020, bao gồm tuyến đường bộ cao tốc Hoà Lạc - Hoà Bình, Hạ Long - cầu Bạch Đằng; các tuyến quốc lộ: Tân Vũ - Lạch Huyện, Quốc lộ 3 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 2); các hầm: Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2, Cổ Mã; cảng Lạch Huyện, luồng sông Hậu.

Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng thông qua phương thức đối tác công - tư, một số dự án quan trọng đã hoàn thành, như: Cảng hàng không Vân Đồn, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn... ; Khởi công nhiều đoạn của cao tốc Bắc - Nam.

Cùng đó, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 880 km đường bộ cao tốc, mạng lưới quốc lộ đạt trên 24 nghìn km. Nâng cao an toàn, cải thiện chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian chạy tàu đối với ngành đường sắt.

Nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Vận tải biển đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế với khả năng đảm nhận khoảng 80%-90% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước.

Ngành hàng không đã có những bước phát triển đột phá về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16%-18%/năm. Hệ thống giao thông địa phương được quan tâm đầu tư, quản lý.

2025, cơ bản hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành

img

Phối cảnh nhà ga hành khách Cảng HKQT Long Thành

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025 ghi nhận tác động của đại dịch Covid-19, những thay đổi chiến lược, chính sách kinh tế của một số nước cũng như khả năng tận dụng các cơ hội phát triển sau đại dịch... đến khả năng tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới, trong nước.

Quan điểm của Chính phủ là bám sát quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Mục tiêu tổng quát của Chính phủ là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước.

"Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020, với 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường.

Một số chỉ tiêu quan trọng là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách Nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng nêu rõ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm bám sát và cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.

Trong số này, nhiệm vụ đầu tiên là tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; khẩn trương triển khai chiến lược vaccine, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông (đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường sắt, đường thủy) ở các vùng kinh tế trọng điểm và những vùng còn khó khăn.

Theo đó, đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, ưu tiên đoạn ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên - Nam Trung Bộ; khu vực miền núi phía Bắc; các vùng kinh tế động lực.

Đầu tư các công trình giao thông trọng yếu theo quy hoạch, nhất là tuyến vành đai đô thị lớn, các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ quan trọng; đầu tư nâng cấp cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không trọng điểm; đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển, đường thủy nội địa, tiếp tục xây dựng các cảng biển quan trọng.

Quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, chuẩn bị để triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt vùng, sớm đưa các tuyến đường sắt đô thị vào hoạt động.

Trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao và chuẩn bị một số điều kiện cho thực hiện trong giai đoạn tiếp theo; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển.

Phát triển hài hòa hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội; thúc đẩy phát triển hạ tầng số, hạ tầng kết nối các phương thức vận tải, kết nối quốc tế, giảm chi phí logistics.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.