Hưng và Dũng bên sáng chế “Hệ thống đèn giao thông thông minh, thân thiện” |
Đèn tín hiệu giao thông thông minh, thân thiện của hai cậu học sinh THPT ở Đà Nẵng có thể tự động chỉnh đèn, ghi hình “phạt nguội”, truy cập để phát hiện các điểm kẹt xe trong thành phố; thậm chí còn có thể... sạc pin cho điện thoại.
Đèn giao thông đa chức năng
Gặp Nguyễn Tiến Dũng (lớp 11, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) và Lê Nhật Hưng (lớp 12, Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng), vừa hỏi về sáng chế “Hệ thống đèn giao thông thông minh, thân thiện”, cả Dũng và Hưng đều say sưa thuyết trình.
Theo Tiến Dũng, hệ thống đèn này có ba chức năng chính là phát hiện xe vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hoặc lấn làn; tự động điều chỉnh đèn xanh - đỏ khi phát hiện có xe ưu tiên chạy đến; có cổng kết nối USB cho người dân và du khách sạc pin điện thoại khi cần; đồng thời có thể truy cập hệ thống để biết các điểm kẹt xe trong thành phố.
Sáng chế “Hệ thống đèn giao thông thông minh, thân thiện” của Hưng và Dũng đã vượt qua hơn 30 đề tài cấp trường và 89 đề tài cấp thành phố để dự thi cấp quốc gia. Tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Nam do Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, Công ty Intel Việt Nam tổ chức tháng 3/2015, sáng chế này đã vượt qua 180 sáng chế khác để đoạt giải Nhì. |
Nhật Hưng giải thích thêm, hệ thống đèn sẽ tích hợp tia laser đặt tại các vạch giới hạn, vạch dành cho người đi bộ nhằm phát hiện phương tiện vi phạm. Khi có một phương tiện lấn làn (qua vạch phân làn), vượt đèn đỏ (qua vạch giới hạn) hoặc đi ngược chiều (nhận diện xe đi ngược hướng bên phải), hệ thống sẽ tự động chụp ảnh lại bằng camera và phát tín hiệu thông qua đám mây điện toán về phòng quan sát, chỉ huy.
“Lúc này, biển số xe vi phạm sẽ được nhận diện và hệ thống sẽ tự động tra cứu thông tin chủ xe, in ra một biên bản xử phạt cho CSGT tiến hành “phạt nguội” xe vi phạm”, Nguyễn Tiến Dũng nói.
Để chúng tôi “mắt thấy tai nghe”, Nhật Hưng trực tiếp chứng minh bằng mô hình xe ưu tiên, giả tiếng còi hụ đi qua khu vực đèn giao thông. Ngay lập tức, hệ thống camera tự động nhận diện xe ưu tiên, chỉnh sang đèn xanh nhường đường. Hưng cho hay, nhờ vào hệ thống camera, các chiến sĩ cảnh sát tại phòng quan sát có thể phát hiện những điểm kẹt xe và phát thông báo vào hệ thống. Khi người dân kết nối USB bằng các thiết bị di động cũng đồng thời nhận biết được những điểm kẹt xe gần mình nhất.
Đặc biệt, đèn giao thông này được chế tạo hoàn toàn sử dụng năng lượng mặt trời và có hệ thống điện lưới dự phòng. Chỉ khi thời tiết xấu không có ánh sáng mặt trời, hệ thống mới tự động lấy điện từ lưới điện quốc gia.
Mong góp sức kéo giảm TNGT
Đam mê tin học từ nhỏ, dù học hai trường khác nhau, nhưng cả Hưng và Dũng cùng học chung giáo viên tin học, cùng ý tưởng “bắt” khoa học kỹ thuật phục vụ đời sống xã hội, người dân. Tháng 9/2014, khi Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn phát động cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp trường, Dũng và Hưng đã cùng nhau lên ý tưởng thực hiện mô hình thông minh này.
“Mỗi ngày đi đường, chứng kiến và đọc các thông tin về số người chết do TNGT thôi thúc bọn em làm một điều gì đó góp phần thay đổi hạ tầng giao thông. Thực tế, việc nhường đường cho xe ưu tiên, cảnh chen lấn, vượt đèn đỏ, ý thức tự giác của người tham gia giao thông còn hạn chế. Trong khi đó, công việc của các chiến sĩ CSGT vất vả, không đủ lực lượng để kịp thời kiểm tra xử lý. Mô hình này tạo sự thay đổi trong cách điều hành quản lý, hướng đến thay đổi ý thức tự giác chấp hành quy định của người tham gia giao thông”, Hưng tâm sự.
Theo Tiến Dũng, điểm khó nhất của mô hình ở khả năng tích hợp dữ liệu nhận diện hệ thống tự động, ghi hình tự động các vi phạm và báo về “tổng đài”, chứ không chỉ ghi hình đơn thuần như các camera hiện nay. Nhiều tháng “đánh vật” với các thiết bị điện tử, công nghệ, không ít lần trắng đêm hoàn thành từng khâu đoạn nhỏ, cả hai sung sướng khi chứng kiến “đứa con” khoa học của mình hình thành. “Chúng em hi vọng mô hình có thể được các cấp, cơ quan chức năng nghiên cứu, triển khai ứng dụng với điều kiện thực tế”, Dũng nói.
Theo cô Trương Nguyễn Ngọc Vinh, Hiệu phó Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đây là một sáng chế hiện đại, tiện ích, có ý nghĩa thiết thực và thể hiện ý thức bảo vệ môi trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận