Xã hội

Đền thờ Vua Hùng hơn 150 tuổi ở cực Nam Tổ quốc

14/04/2019, 06:30

Đền thờ Vua Hùng ở ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã được xây dựng cách đây hơn 150 năm.

img
Người dân khắp nơi tề tựu về Đền thờ Vua Hùng ở Cà Mau để thắp hương tưởng nhớ công lao của các Vua Hùng đã có công dựng nước. Ảnh: Gia Minh

Đền thờ Vua Hùng ở ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau được công nhận Di tích Văn hóa - Lịch sử cấp tỉnh năm 2011, nằm bên tuyến QL63 từ Cà Mau - Kiên Giang. Trải qua hơn 150 năm, ngôi đền ngày càng được nhiều người biết đến. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương (ngày mùng 10/3 Âm lịch) hàng nghìn người dân đến đây để dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng đã có công dựng nước.

Ông Phan Văn Thông (Bảy Thông), Phó ban Quản lý Đền thờ Vua Hùng ở Cà Mau kể: “Cha của tôi thuộc lớp người thứ 2 trông nom, thờ tự đền thờ này, tôi là thế hệ kế tiếp. Thời chiến tranh bom đạn ác liệt, ngôi đền được làm đơn sơ bằng cây gỗ, lá dừa nước, nhưng vẫn giữ được khói hương cẩn thận. Đến ngày nay, người dân ở vùng đất Giao Khẩu này vẫn luôn quyết tâm gìn giữ ngôi đền, hàng năm người dân và chính quyền địa phương vẫn tổ chức lễ cúng Vua Hùng với vẻ tôn kính, trang nghiêm”.

Cũng theo ông Thông, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, ngôi đền ngày càng được nhân dân và chính quyền quan tâm. Năm 2006 với sự vận động của Ban quản lý Đền Hùng, được sự ủng hộ của các nhà tài trợ và nhân dân địa phương trong xã, ngôi đền đã được xây dựng kiên cố, khang trang (diện tích hơn 2.000m2) như hiện nay.

Ngôi đền được xây dựng theo lối một gian hai chái, mặt chính của đền quay về hướng QL63, phía sau đền giáp với sông Bạch Ngưu, tạo nên địa thế phù hợp với quan niệm phong thủy (trên bến, dưới thuyền). Ngôi đền có khoảng sân rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các buổi lễ lớn tại đền.

Trước khi vào khu vực thờ tự, hai bên có 2 miếu thờ thổ địa xây dựng bằng xi măng cốt thép. Tiến đến là khu đền thờ chính được xây dựng bằng gạch, xi măng (gồm một gian hai chái), mái uốn cong ở đoạn cuối. Trên bốn đầu mái là đầu đao gắn phù điêu rồng, trên nóc mái trang trí lưỡng long chầu nguyệt đắp nổi. Bên trong đền ở giữa là bàn thờ đặt tượng Vua Hùng.

Hàng năm, cứ đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương, người dân không chỉ ở Cà Mau mà còn ở một số tỉnh lân cận như: Bạc Liêu, Kiên Giang,… cũng đến thắp hương tưởng nhớ công lao của các vị Vua Hùng đã khai phá cơ đồ. Trước ngày giỗ Tổ một ngày (ngày mùng 9 tháng 3 Âm lịch) tại ngôi đền diễn ra các hoạt động như: Văn nghệ, các trò chơi dân gian,… Đến ngày chính lễ (ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch), người dân gần xa thường đem các lễ vật như: Bánh chưng, bánh giầy, xôi, gà, vịt, heo quay, hoa,… để dâng lên các Vua Hùng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Cà Mau cho biết, Đền thờ Vua Hùng là nơi để tưởng nhớ về tổ tiên, cội nguồn của dân tộc. Ngày Quốc giỗ Hùng Vương là dịp để các dân tộc trên đất nước Việt Nam nhắc nhau về lòng yêu nước, tình đoàn kết thương yêu, giúp đỡ nhau theo nghĩa đồng bào, tức là như anh em ruột thịt từ một bào thai mà ra. Đó cũng là ngày chúng ta hiểu sâu sắc thêm lời Bác Hồ căn dặn: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.