Nhiều lỗi về đèn xi nhan có thể khiến ô tô trượt đăng kiểm
Đường dây nóng Báo Giao thông nhận được câu hỏi thắc mắc của bạn đọc về việc xe ô tô cá nhân trong lúc lùi không may xảy ra va chạm với xe phía sau, bị nứt vỡ đèn xi nhan. Trong khi đã đến hạn đăng kiểm, liệu có bị ảnh hưởng hay không?
Về vấn đề này, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, hệ thống đèn chiếu sáng của ô tô bao gồm: Đèn chiếu sáng phía trước; đèn kích thước phía trước, phía sau và thành bên; đèn phanh, đèn lùi, đèn báo rẽ (đèn xi nhan), đèn báo nguy hiểm và đèn soi biển số.
Trong đó, đèn xi nhan đóng vai trò quan trọng cho vận hành an toàn.
Thông tư 08/2023 quy định về kiểm định xe cơ giới nêu rõ: Hạng mục kiểm tra đèn xi nhan, đăng kiểm viên thao tác bật, tắt đèn và quan sát trực tiếp hoặc qua các thiết bị hỗ trợ (gương, màn hình…), kết hợp dùng tay lay lắc.
Nếu phát hiện đèn xi nhan không đầy đủ (chỉ có một bên), không đúng kiểu loại, vỡ; lắp đặt không đúng vị trí, không chắc chắn; không hoạt động khi bật công tắc; màu ánh sáng ở đèn phía trước xe không phải màu vàng, đèn phía sau xe không phải màu vàng hoặc màu đỏ, ô tô sẽ bị trượt hạng mục kiểm tra về đèn xi nhan.
Đây là những lỗi được xếp vào loại hư hỏng, khiếm khuyết quan trọng, cần phải được khắc phục, sửa chữa để đăng kiểm lại. Do đó, nếu đèn xi nhan của bạn đọc Báo Giao thông sau va chạm chỉ nứt thành vệt nhỏ ở ốp bảo vệ đèn thì có thể vẫn đạt hạng mục kiểm tra này. Tuy nhiên, nếu cú va chạm mạnh khiến đèn bị vỡ thì sẽ bị trượt đăng kiểm.
"Đèn bị vỡ không kịp sửa chữa, nếu gặp thời tiết bất lợi như mưa, sương mù… có thể khiến đèn bị chập cháy, hư hỏng, không còn tác dụng khi sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nếu tài xế lưu thông trên đường, nhất là trong các tình huống chuyển làn, chuyển hướng…", vị lãnh đạo trung tâm đăng kiểm nói và cho biết thêm: Một số trường hợp khác liên quan đến đèn xi nhan khi kiểm tra nếu mắc phải cũng sẽ bị từ chối đăng kiểm như: Khi bật công tắc, số đèn hoạt động tại cùng thời điểm không theo từng cặp đối xứng nhau, không đồng bộ về màu sắc và kích cỡ; không hoạt động đồng thời, không cùng tần số nháy.
Cường độ sáng và diện tích phát sáng không đảm bảo nhận biết ở khoảng cách 20m trong điều kiện ánh sáng ban ngày. Đèn sáng sau 3 giây kể từ khi bật công tắc; tần số nháy không nằm trong khoảng từ 60-120 lần/phút cũng là những trường hợp thuộc lỗi hư hỏng, khiếm khuyết quan trọng cần phải khắc phục mới đạt đăng kiểm.
Vì sao đèn xi nhan lại quan trọng?
Theo quy định lái xe phải bật đèn xi nhan trong các trường hợp: khi bắt đầu di chuyển khởi đầu hành trình, khi xe chuyển làn đường, khi muốn vượt lên trước, khi xe muốn chuyển hướng di chuyển, khi lùi xe, khi dừng hoặc đỗ xe trên đường bộ.
Ngoài ra, khi xe di chuyển vào các đoạn đường đặc biệt để đảm bảo an toàn cho các phương tiện và người di chuyển trên đường cũng phải bật đèn xi nhan. Đơn cử, bật đèn xi nhan trái khi vào vòng xuyến và xi nhan phải khi đi ra khỏi vòng xuyến; khi xe lùi tại các đoạn đường cong như vào hẻm, ngõ; khi xe đi vào đường cong, không phải ngã rẽ hay chuyển hướng, chuyển làn…
Nếu đèn xi nhan bị vỡ gây hư hỏng đèn, khi tham gia giao thông không hoạt động sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn giao thông do không thể truyền tải thông tin muốn chuyển hướng, chuyển làn… cho các phương tiện khác trên đường.
Chưa kể khi lưu thông trên đường, lái xe còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định, phạt tiền từ 300-400 nghìn đồng nếu điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu (bao gồm cả đèn xi nhan – PV), cần gạt nước, gương chiếu hậu, dây an toàn, dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, đồng hồ báo áp lực hơi, đồng hồ báo tốc độ của xe hoặc có những thiết bị đó nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế (đối với loại xe được quy định phải có những thiết bị đó).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận