Xã hội

Dẹp loạn vỉa hè: Chuyên gia hiến kế để Hà Nội sớm được như Singapore

14/03/2023, 06:00

Nhờ quy hoạch rõ ràng, phân khu buôn bán trên đường nên Singapore vừa bảo đảm vỉa hè cho người đi bộ vừa lưu giữ được nét ẩm thực đường phố.

Muốn xây dựng thành phố bền vững thì phải giữ được vỉa hè

Trao đổi với Báo Giao thông về giải pháp để "dẹp loạn" vỉa hè, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu, giảng viên Đại học Việt Đức, chuyên gia nghiên cứu về quy hoạch và phát triển đô thị, thành phố thông minh và tích hợp giao thông đô thị cho biết, Việt Nam hoàn toàn có thể học theo cách quản lý vỉa hè của Singapore.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu chỉ ra thực trạng lấn chiếm vỉa hè như hiện nay là hệ quả của sự phát triển kinh tế, phương tiện cá nhân quá nhanh so với không gian đường phố. Cụ thể là sự bùng nổ của kinh tế thị trường và xe máy trong 30 năm gần đây, nhất là sự phát triển mạnh của xe hơi trong 10 năm qua.

Khi phương tiện cá nhân ngày càng dày đặc, tất nhiên sẽ ít người quan tâm đến đi bộ và phương tiện công cộng.

img

Lượng người đi bộ, sử dụng phương tiện công cộng tại Singapore cao, nên vỉa hè luôn được đảm bảo phong quang, thoáng đãng

Nếu người đi bộ nhiều, nhu cầu lớn và nếu muốn hạn chế phương tiện cá nhân, đẩy mạnh phương tiện công cộng thì phải có hạ tầng tốt cho người đi bộ.

Điển hình như Singapore đã thực hiện một loạt quy định để kiểm soát, giảm số phương tiện cá nhân, dẫn tới nhu cầu đi bộ, sử dụng phương tiện công cộng rất cao. Kéo theo đó là sức ép phải có vỉa hè phong quang, thông thoáng rất lớn, buộc Chính phủ phải quy hoạch để ưu tiên đường cho người đi bộ.

"Nếu không có vỉa hè cho người đi bộ an toàn thì các kế hoạch đẩy mạnh phát triển xe buýt hay tàu điện đều sẽ phá sản. Nhu cầu đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng vừa là điều kiện cần vừa là động lực để giữ gìn vỉa hè. Muốn xây dựng thành phố thông minh, bền vững, giảm phát thải thì bắt buộc phải giữ vỉa hè cho người đi bộ", ông Hiếu nhấn mạnh.

Khi quy hoạch vỉa hè phải dành ưu tiên cao nhất cho người đi bộ

Tương tự Việt Nam, người dân Singapore cũng ưa chuộng ẩm thực đường phố, hoạt động buôn bán trên đường đóng góp phần không nhỏ cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, Singapore đã quản lý tốt bằng cách quy hoạch khu vực dành riêng cho người bán hàng rong hay lập những tuyến phố ẩm thực để các tiểu thương tới đó buôn bán.

Singapore cũng cấp phép hoạt động cho người bán hàng rong, bắt buộc họ phải tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường cảnh quan xung quanh và không làm ảnh hưởng tới người đi bộ.

img

Một khu vực ẩm thực đường phố tại Singapore

Cách làm này vừa giữ trật tự đô thị, cảnh quan, giúp duy trì được công ăn việc làm cho người khó khăn vừa giữ gìn ẩm thực đường phố như một nét văn hóa, thu hút du lịch.

Theo Tiến sĩ Hiếu, Việt Nam cũng có thể làm như vậy.

"Trên thực tế, ở nước ta, rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn sống dựa vào gánh hàng nhỏ trên vỉa hè. Nếu tạo điều kiện cho họ có không gian buôn bán cũng là một cách để góp phần xóa đói giảm nghèo. Song, cần phải nghiên cứu kỹ hiện trạng để xem nơi nào thực hiện được, nơi nào không. Và nguyên tắc rất quan trọng khi quy hoạch vỉa hè vẫn là đặt người đi bộ lên hàng đầu", ông Hiếu gợi ý.

Theo vị chuyên gia này, chúng ta có thể sáng tạo hơn ở chỗ, có thể cho bán hàng trên vỉa hè nhưng bắt buộc phải giữ được không gian ít nhất 1,5m trở lên (đủ cho 2 người đi sánh đôi), sau đấy mới nghĩ đến chuyện buôn bán hay đỗ xe.

Ở khu vực có đủ không gian thì phải chọn khu vực bên trong, thông thoáng nhất cho người đi bộ đi lại thoải mái, không vướng víu; còn phần rìa gần lòng đường, thường trồng cây xanh thì để buôn bán nhỏ (đủ gánh hàng nhỏ, xe đẩy) và đỗ xe.

Về quản lý kinh doanh, nên bắt buộc người kinh doanh phải đăng ký và đóng một phí nhỏ đủ để duy trì trật tự, làm vệ sinh.

Ngoài ra, có thể cho phép kinh doanh theo thời gian như cách Singapore thực hiện. Đó là tùy vào khu vực, có thể xây dựng những phố ẩm thực chỉ hoạt động trong khung giờ cố định. Vào giờ giới nghiêm thì các tuyến phố này sẽ trở thành khu vực dành riêng cho người đi bộ, cấm hoàn toàn xe cộ lưu thông. Người bán hàng có thể đặt quầy dọc vỉa hè 2 bên đường cho phép thực khách ăn uống thoải mái, vừa không lo mất an toàn lại vừa không sợ khói bụi.

"Quản lý vỉa hè không khó. Quan trọng nhất là quyết tâm của chính quyền địa phương", Tiến sĩ Hiếu nhìn nhận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.