Hàng loạt hộ dân sống “treo” trên Thượng thành gần đường Đinh Tiên Hoàng trong Đại Nội ra đường Lê Duẩn |
Khu ổ chuột lấn chiếm di tích
Đoạn Thượng thành (tổ 14, khu vực 7, phường Thuận Lộc, TP Huế) san sát căn nhà nhỏ, thấp, xập xệ khiến khuôn viên di tích thêm nhếch nhác. Không đường lên xuống, các hộ dân dựng bậc cấp cầu thang bê tông để tiện di chuyển. Ông Trần Lượng (SN 1942), một trong số các hộ dân ở đây bảo: Người dân hầu hết khó khăn, từ các vùng quê lên Huế mưu sinh, không có tiền mua nhà nên chọn khu vực Thượng thành dựng lều tá túc. Dần dà số hộ dân mỗi lúc thêm đông, rồi đến thế hệ con cháu cũng bấu víu vào đây để sống.
Ngay cạnh nhà ông Lượng là nhà 2 người con trai Trần Tỵ (SN 1966), Trần Nhãn (SN 1974) cũng được cơi nới, xây dựng. Theo ông Lượng, cuộc sống hiện có điện, nước nhưng mọi người khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, con cháu không được học hành… Bao năm nay, anh Trần Tỵ gắn bó với nghề xe ôm, còn vợ phụ bán quán cơm bụi nuôi 3 đứa con. Nhà anh Trần Nhãn không khấm khá hơn khi vợ bán hàng rong, còn mình là nghề thợ nề…
Tương tự, căn nhà nhỏ trong khuôn viên di tích Thượng Thư Đường Bộ Công (cơ quan quản lý về xây dựng của triều đình nhà Nguyễn về đê điều, nhà cửa, đường sá, sông ngòi - NV) tại số 50 đường Nguyễn Chí Diễu của bà Võ Thị Nhạn (71 tuổi) xuống cấp trầm trọng. Bà Nhạn bảo, phòng ngủ “không hẹn ngày sập”, mỗi lần mưa bão đến, bà kéo giường xếp ra ngoài phòng khách ngủ. Nhiều lúc phải đội cả cả mũ bảo hiểm để phòng nguy cơ nhà sập. “Nhà khu di tích nên không thể sửa chữa, cuộc sống bí bách và mất an toàn. Nghe có chủ trương di dời ai cũng mừng”, bà Nhạn nói.
Nhiều gia đình sống “tạm” trong khu vực di tích cũng nơm nớp lo, vì nơi ở đã xuống cấp trầm trọng. Bà Nguyễn Thị Duyệt (79 tuổi) cho biết, gia đình bà đã ở căn nhà trong khuôn viên Khâm Thiên Giám - một trong những cơ quan quan trọng của triều Nguyễn trên đường Hàn Thuyên (phường Thuận Thành) 52 năm nay. Sau cánh cổng rêu phong, căn nhà chính cả 100 trăm tuổi tại số 82 Hàn Thuyên này đã xuống cấp trầm trọng, có thể sập bất cứ khi nào, nên bà Duyệt hiện sống trong căn nhà nhỏ liền kề dưới nhà chính. Bà Duyệt bảo: “Nhà dột từ lâu nhưng không được chính quyền cho thay mái. Gia đình phải mua bạt ni lông phủ lên mái ngói cũ tránh mưa nắng”.
Ông Nguyễn Văn Dũng (phường Thuận Thành) cho biết: “Đại gia đình” đến nay đã có 3 thế hệ sống “treo” trên Thượng thành. Ông Dũng cũng mong nhà nước quan tâm hỗ trợ, sớm triển khai di dời đến nơi tái định cư đảm bảo để ổn định cuộc sống. Cũng sống “treo” trên Thượng thành, gia đình bà Nguyễn Thị Truyền (phường Thuận Lộc) mong được bố trí miếng đất để làm nhà ở. Bà Truyền cho biết, công việc thường ngày của bà là nấu chè mang ra chợ gần nhà bán. “Nấu chè phải nấu củi, mà ở chung cư không thể nấu củi vì khói ảnh hưởng các hộ dân khác, mà nấu ga thì không nấu được nhiều, xa chợ, rồi tuổi ngày càng cao, chân đau, huyết áp sợ đi lên, đi xuống cầu thang chung cư không nổi…”, bà Truyền chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Trần Duy Sanh, Chủ tịch UBND phường Thuận Thành (TP Huế) cho biết, do nằm trong vùng di sản, không được cấp giấy phép sửa chữa nhà, đời sống ăn ở của rất nhiều hộ dân gặp khó khăn. Theo ông Sanh, đại đa số bà con nhân dân mong muốn được đi đến một nơi mới tái định cư đảm bảo để ổn định an cư, lạc nghiệp.
Bà Võ Thị Nhạn (71 tuổi) sống tạm bợ, luôn bất an trong căn nhà thuộc khuôn viên di tích Thượng Thư Đường Bộ Công |
Thời cơ đã chín muồi
Theo lãnh đạo UBND TP Huế, quá trình lịch sử di dân trong thời gian chiến tranh giai đoạn 1945-1975, từ vùng nông thôn vào thành thị và gia tăng dân số tự nhiên đã hình thành khu dân cư sinh sống trên di tích Thượng thành, Eo Bầu, Hộ thành hào và các công trình di tích thuộc khu vực I kinh thành Huế. Ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay: Việc xâm hại di tích không chỉ diễn ra khá phổ biến trong Thành Nội, ngoài thành giai, trên mặt hào, mà còn ngay trên thượng thành, trong lòng các pháo đài (gọi là eo bầu) và trên tuyến phòng lộ. Tại nhiều điểm di tích, nhân dân địa phương tự động lấn chiếm dần mặt bằng của công trình kiến trúc, xây dựng nhà ở, mở vườn, trồng hoa màu.
Kinh thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng (1805 - 1833), sau này đã trở thành di tích lịch sử, quần thể di tích Cố đô Huế có giá trị lớn, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại. Công trình có quy mô diện tích hơn 500ha, bên trong thuộc 4 phường và bên ngoài thuộc 3 phường tiếp giáp; có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan môi trường và quân sự; gồm nhiều hạng mục như: Hộ thành hào, tuyến phòng lộ, tường thành, 24 eo bầu, Kỳ đài, Trấn Bình Đài (Mang cá nhỏ) và 10 cổng thành... |
Thống kê chưa đầy đủ của trung tâm, năm 1995 có 1.838 hộ dân (hộ chính) sinh sống tại khu vực I di tích Kinh thành. Năm 2003 tăng thêm 438 hộ. Đến năm 2018, con số này tăng lên khoảng 4.200 hộ dân (trong đó có gần 50% là hộ phụ). Theo ông Tuấn, vấn nạn này khiến tầm nhìn, mỹ quan, tuổi thọ của di tích bị ảnh hưởng. Đặc biệt là làm môi trường bị ô nhiễm nặng. Trong khu vực kinh thành có hơn 40 hồ nay đã bị lấp mất gần 1/5, số còn lại (trừ các hồ trong khu vực Đại Nội) đang bị lấn chiếm, hoặc trở thành nơi xả rác, chất thải của người dân…
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá: Do sống trên di tích nên hầu hết các hộ dân không được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp pháp, nhiều hộ phải làm nhà trên mặt nước tại các hồ, hào, vì vậy nhà ở các hộ dân không được xây dựng, sửa chữa lớn. Trong khi đó, đa số các hộ là lao động phổ thông nên đời sống khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhiều thế hệ phải chung sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp với điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, cảnh quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng đến di sản văn hóa…
Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Trung ương và kinh phí của địa phương đã từng bước di dời dân cư để trả lại mặt bằng cho di tích. Giai đoạn 1996 - 2018 đã di dời được 1.050 hộ dân, hiện nay tại khu vực I di tích Kinh thành Huế còn khoảng 4.200 hộ sinh sống. Theo ông Thọ, Thủ tướng Chính phủ đồng thuận chủ trương, đến nay, UBND tỉnh đã xây dựng cơ chế, đề án trình Thủ tướng và các Bộ, ngành chức năng về việc di dời các hộ dân này. “Việc di dân đã chín muồi, cử tri đang mong đợi quyết sách của Quốc hội, của Chính phủ về cơ chế, chính sách để có nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thực hiện chủ trương mang tính lịch sử này”, ông Thọ nhấn mạnh.
Theo đó, giai đoạn 2019-2021, di dời 2.938 hộ với kinh phí 1.880 tỷ đồng; giai đoạn 2022-2025 là 1.263 hộ, 855 tỷ đồng. Lãnh đạo UBND tỉnh cho hay: Kinh phí di dời dân cư nêu trên là rất lớn đối với địa phương, quỹ đất sau khi GPMB chỉ phục vụ trùng tu di tích, không thể chuyển đổi sang mục đích khác, ngoài ra địa phương phải tự huy động các nguồn vốn khoảng 1.300 tỷ đồng để triển khai tái định cư sẵn sàng cho di dời bà con. Khái toán tổng kinh phí đầu tư xây dựng khu tái định cư (kể cả kinh phí GPMB) giai đoạn 1 là 73ha, 946 tỷ đồng, giai đoạn 232ha, 416 tỷ đồng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận