Xã hội

Di dời đại học, cao đẳng, Hà Nội chắc chắn hết ùn tắc

09/06/2017, 13:05

Phải di chuyển các trường đại học, cao đẳng, nhà máy, xí nghiệp ra ngoại thành và các địa phương lân cận.

6

Cảnh ùn tắc trước cổng trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) vào mùa thi - Ảnh: Q.An

Chặn một dòng nước phải chặn từ đầu nguồn

Hà Nội có khoảng 7,5 triệu dân, nhưng cơ bản chỉ có 12 quận của Hà Nội cũ cần thiết có giải pháp cấp bách với khoảng 4 triệu dân và hàng nghìn các trường đại học, cao đẳng và nhà máy các loại. Giả sử mỗi trường có 4 khóa, mỗi khóa 2.500 sinh viên, trung bình có hàng trăm nghìn người đang học và làm việc trong trường và trong các nhà máy. Hơn nữa, hàng năm sinh viên ra trường thường ở lại làm việc vì về quê không có việc, rồi họ lập gia đình và dân số càng phình to. Đất và đường không nở ra mà người càng ngày càng đông thì tắc đường kẹt xe là đương nhiên. 

Vấn đề ách tắc giao thông ở các thành phố lớn của Việt Nam ngày càng trầm trọng do sự bùng nổ về phương tiện giao thông và cả sự gia tăng dân số do nhu cầu công việc và nhu cầu “thành thị” của lượng lớn người dân. Đúng là phải có giải pháp để giải quyết vấn đề này một cách triệt để chứ không phải theo kiểu “đẽo cày giữa đường”. 

Do vậy, để giải quyết vấn đề này cũng như chặn một dòng nước phải chặn từ đầu nguồn, không phải chặn ở cuối nguồn. Khi đã chuyển tất cả các trường và nhà máy ra khỏi thành phố, tự nhiên các tỉnh thành bên ngoài sẽ phát triển theo và tạo ra nhiều việc làm để làm giảm tải cho thành phố. Với cơ sở hạ tầng giao thông như hiện nay, không cần xây dựng thêm gì nữa.

Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt. Nhưng chúng ta phải đánh đổi và khắc phục. Một giáo viên vì sinh viên mà đi làm xa hơn vài chục km còn hơn để cả trăm sinh viên phải vất vả đi theo. Nếu chúng ta chuyển các trường và nhà máy ra ngoại tỉnh, các giáo viên và các cán bộ ở Hà Nội phải đi làm với quãng đường xa hơn. Nhưng chúng ta có thể học tập các công ty nước ngoài đưa đón cán bộ công nhân viên đi làm bằng xe buýt.

Ví như, Công ty Samsung có hàng chục nghìn công nhân, họ vẫn có thể đưa đón CBCNV đi làm quãng đường lên đến hàng trăm km mà không bao giờ chậm giờ làm, lại còn an toàn cho nhân viên. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể làm điều tương tự. Rồi trong tương lai cuộc sống sẽ ổn định, mọi người sẽ an cư ở gần nơi làm việc. Hà Nội khi đó tự nhiên sẽ thanh bình và thanh lịch đúng với tầm vóc Thủ đô của Việt Nam.

Hiệu quả không chỉ giảm ùn tắc

Khi các trường học và nhà máy được chuyển ra các tỉnh ngoài sẽ giúp người nông thôn có thêm các nguồn thu từ nhà ở, dịch vụ… rồi khi người dân có tiền họ sẽ đầu tư các lĩnh vực khác và tạo ra nhiều việc làm hơn. Từ đó kinh tế vùng miền sẽ dần phát triển thu hẹp khoảng cách với các thành phố.

Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông, Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac và [email protected]...

Hiện nay, thuê một phòng trọ ở Hà Nội khoảng 3 triệu đồng thì ở gần đó vài chục cây số, chẳng hạn như Vĩnh Phúc chỉ có 300 nghìn đồng. Chi phí sinh hoạt 1 người ở Vĩnh Phúc 2 triệu đồng/tháng là ổn, còn Hà Nội chẳng biết bao nhiêu là vừa. Vì vậy, chuyển các trường và nhà máy ra tỉnh ngoài sẽ giúp hàng triệu gia đình giảm chi phí cho con em theo học và công nhân còn có tích lũy cho tương lai.

Cùng đó, việc di chuyển các trường học, nhà máy xí nghiệp còn tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng vì không phải xây dựng các công trình hạ tầng giao thông quá tốn kém. Trong khi, nếu chuyển các trường và nhà máy ra ngoại tỉnh, quỹ đất vàng của trường và nhà máy ở Hà Nội thừa sức xây dựng nhiều cơ sở hoành tráng ở các tỉnh. Do vậy mà ngân sách Nhà nước không phải bỏ ra một đồng nào.

Giải pháp này còn đảm bảo sẽ rất hợp lòng đại đa số người dân, vì không ảnh hưởng tới môi trường, không tốn kém và lại có tính nhân văn rất cao. Đơn cử như việc chuyển Nhà máy Thuốc lá Thăng Long ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân ra ngoại thành, cả khu vực bán kính 2km quanh nhà máy, hàng ngày người dân không phải hút thuốc thụ động. Rồi các tỉnh có các trường và nhà máy về cũng tạo thêm nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.

 Nguyễn Thanh Tuấn
(Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)

Banner

Banner

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.